Hôm bữa, đứa bạn ở Sài Gòn nhắn tin “cuối tuần tao về quê đó, có chỗ nào dẫn tao đi chơi”. Chiều lòng bạn, tôi lên kế hoạch đi ngắm “biển” - hồ Dầu Tiếng Tây Ninh. Bạn tôi vốn dĩ cũng là dân Tây Ninh chính gốc. Nhưng hơn chục năm sinh sống ở Sài Gòn, giờ nó rành ngóc ngách Sài thành hơn cả ở quê. Vậy nên có dịp về quê, tôi thường “lên tour” dẫn nó đi lòng vòng. Khi thì theo ghe vô đảo Nhím dã ngoại, lúc lại lên Ma Thiên Lãnh chụp hình với những gộp đá ong nhìn như phế tích của một vương triều. Lúc nông trường Thành Long (Châu Thành) vừa có mô hình trồng hoa mười giờ trên đường bên ruộng mía, tôi với nó cũng tìm lên tận nơi. Có những nơi tôi đã đi qua, cũng có những điểm chỉ mới lần đầu đặt chân tới, và cũng có những nơi, đến nhiều lần, nhưng mỗi lần đến lại là một phát hiện mới mẻ.
Đón bình minh
Chúng tôi đã nhiều lần đến dã ngoại tham quan hồ Dầu Tiếng, nhưng chưa khi nào đi vào buổi sáng sớm. Hồ cách Thành phố Tây Ninh chừng 20 km. Để kịp đón bình minh, 4 giờ 30 phút chúng tôi đã xuất phát. Sáng sớm, chạy qua những ruộng lúa, mùi thơm của lúa, mùi bùn của ruộng sau mưa làm cho lòng người nhẹ nhàng, thanh thản. Hơn nửa giờ đồng hồ chạy xe máy, chúng tôi có mặt ở ngã ba bờ hồ. Trên bờ đê cách mặt đường chừng chục mét, vài nhóm người lớn tuổi đang tập dưỡng sinh theo tiếng nhạc phát ra từ chiếc loa nhỏ. Chạy dọc trên con đê đất đỏ, chúng tôi dừng chân tại đập phụ số 2, cách ngã ba bờ hồ khoảng 2 km, thuộc địa phận ấp Phước Hội, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu. Qua lời giới thiệu của một người bạn, phía cửa đập - nơi đưa nước về kênh Tây phục vụ nông nghiệp - được người dân tận dụng trồng bông súng.
Khi đến nơi, trời còn chưa sáng tỏ, phải quan sát thật kỹ mới chắc rằng phía dưới kia là đầm bông súng. Thấp thoáng, một ánh đèn pin cùng bóng người chèo ghe đi thăm vó giữa miên man hoa súng. Phía xa, núi Bà lẩn khuất trong những dải mây trắng khiến cảnh vật có chút huyền hoặc nhưng rất đỗi bình yên. Chợt nghĩ, có những thứ ở quê đẹp đến nao lòng nhưng vì vô tình mình đã không nhận ra. Đứng trên con đê, gió từ ngoài mặt hồ Dầu Tiếng phả vào, mát rượi. Lúc này, nước rút để lộ những dải đất cát pha mênh mang. Xa ngoài kia là mặt nước, nhô lên vài khoảnh đất, xanh rì màu cỏ.
Trời dần hửng sáng. Ánh nắng sớm mai nhuộm hồng một vệt mây giữa bầu trời trong xanh. Tây Ninh nổi tiếng với cái nắng gắt gỏng. Nắng khiến nhiều người e ngại. Nhưng nắng vào bình minh lại khiến mọi thứ trở nên mượt mà, lấp lánh. Đang ngẩn ngơ với cảnh mây trời, bất ngờ một đàn chim bay qua, rõ mồn một trên đầu. Chẳng biết có phải là cò không, nhưng chắc rằng chúng vừa thức dậy sau một đêm yên bình dưới những khoảnh đất trống kia, giờ bay đi kiếm ăn. Không khí dịu mát khiến lòng người thảnh thơi, chừng như những lo lắng, toan tính ngày thường cũng bay theo cánh chim trời.
Thăm làng chài
Rời đập phụ, chúng tôi lại men theo con đường đê lún phún sỏi đỏ, chạy về phía làng chài ở ấp B4, xã Phước Minh. Suốt đoạn đường gần 10 km có 4-5 bến, bãi làm cá của người dân trong vùng. Dọc theo mí nước là những căn nhà sàn được người dân dựng tạm để làm cá. Cứ nước đến đâu, nhà lại di động đến đó. Đã đến khám phá hồ Dầu Tiếng nhiều lần nhưng đây là lần đầu chúng tôi đến bãi cá vào buổi sáng. Và cũng là lần đầu được biết cách làm cá cơm ở xứ mình. Hơn 7 giờ, nhiều chiếc vỏ lãi đi đánh cá trong đêm rải rác về bến. Cá cơm, sau khi lưới về sẽ được đưa vào khung vây lưới xung quanh mà mọi người gọi là “mùng” để giũ. Với chiếc vợt giũ cá được làm từ một cọng nhựa gắn vào cán cây, người làm cá liên tục đập vợt vào lưới để cá văng ra. Phía trên, một người ngồi trong chòi thu lưới lại. Thỉnh thoảng dừng tay làm dấu những chỗ lưới rách để sau đó vá lại.
Thật chẳng còn gì bằng nếu một sớm mai lang thang vào thăm hồ Dầu Tiếng, tiện thể mua về vài ký cá cơm tươi nguyên, chưa qua công đoạn xử lý nào về chế biến cho gia đình, bạn bè. Và nếu bạn là người ở xa đến du lịch hồ Dầu Tiếng, còn có thể mua một đặc sản của hồ về làm quà cho người thân. Đó là món chả cá được làm từ những con cá dảnh, cá linh bắt về từ hồ. Chị Phượng, nhà gần Trường tiểu học Phước Minh là một trong ít hộ ở đây làm chả cá. Chị Phượng cho biết, cá dảnh có quanh năm, nhưng cá linh phải theo mùa. Từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là mùa cá linh. Chả cá được làm từ cá linh vừa dẻo vừa ngọt. Ở xóm chài này, mọi người cũng dễ dàng tìm mua khô cá lóc được chế biến bằng phương pháp truyền thống: ướp gia vị và phơi dưới nắng tự nhiên với giá bình dân 100 ngàn đồng/kg.
Ngoài ra, cùng nằm trong tuyến du lịch đi hồ Dầu Tiếng còn có những điểm tham quan hấp dẫn. Đó là đập chính cách làng chài Phước Minh không xa. Những bãi đá tự nhiên kề bên mé nước trong xanh, với biểu tượng của hồ như một búp sen hồng nổi trên mặt nước... thật sự lý tưởng cho những ai yêu thích chụp ảnh. Đặc biệt, mùa hè, những cành phượng rực rỡ soi bóng xuống mặt nước càng làm phong cảnh thêm thi vị. Xa hơn, qua địa phận tỉnh Bình Dương còn có suối Trúc với những thác nước tự nhiên, dòng suối nước trong veo, mát lạnh và những phiến đá đỏ sậm trải dài, bóng lưỡng...
Mọi người thường ví von hồ Dầu Tiếng là “biển” của Tây Ninh. Nếu bạn chưa từng đến, hãy thử một lần trải nghiệm và cảm nhận. Nơi đó, có những sớm mai dịu mát, mặt trời ló lên từ mặt nước mênh mông, những buổi sáng ghe xuồng nhộn nhịp, những dãi cát dài thoai thoải cho những ai thích dạo bộ tìm chút tĩnh tại...
Ngọc Diêu - TTXT du lịch Tây Ninh