Tỉnh Sóc Trăng là vùng đất có lịch sử lâu đời, với những ngôi chùa mang kiến trúc độc đáo và những lễ hội văn hóa đặc sắc của 3 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa, cùng với nhiều di tích lịch sử cách mạng, thiên nhiên tươi đẹp và những món ăn đặc sản dân dã. Sau 25 năm tái lập tỉnh, du lịch Sóc Trăng đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách trong, ngoài nước và được xem là ngành quan trọng trong chiến lược thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Những năm gần đây, nhiều sự kiện phục vụ quảng bá, xúc tiến du lịch đã được tổ chức, như: Hội thảo phát triển du lịch cộng đồng tại Sóc Trăng; tổ chức lớp tập huấn “Phát triển mô hình du lịch homestay ở Sóc Trăng”; Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Sóc Trăng phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Du lịch) tổ chức lớp quản lý nhà nước về du lịch ở Sóc Trăng; tổ chức đoàn famtrip (hình thức du lịch tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) cho các công ty du lịch, đơn vị lữ hành và các cơ quan báo chí tìm hiểu thực tế về các điểm, khu du lịch Sóc Trăng ...
Trong các sự kiện, đa phần các chuyên gia du lịch đều đánh giá cao tiềm năng của Sóc Trăng trong phát triển du lịch. Thạc sĩ Phan Đình Huê - Giám đốc Công ty Du lịch Vòng tròn Việt (TPHCM) góp ý: “Đối với du lịch Sóc Trăng, muốn thu hút khách vẫn là yếu tố văn hóa dân tộc thiểu số. Sóc Trăng được định vị như điểm đến gắn với văn hóa dân tộc Khmer, là sự khác biệt so với các tỉnh thành khác. Sóc Trăng còn có đặc sản mang về là bánh pía của người Hoa, đây cũng là một trong những tiềm năng để địa phương có thể phát triển du lịch bền vững”.
Qua nhận định của các chuyên gia, ngành du lịch tỉnh nhận thấy còn hạn chế về các sản phẩm, tuyến, tour du lịch Sóc Trăng, vì vậy trong thời gian qua, ngành đã có cố gắng trong việc đa dạng hóa các sản phẩm du lịch: giữa tháng 12/2016 đã ra mắt Tổ Du lịch cộng đồng Mỹ Phước ở xã Nhơn Mỹ (Kế Sách), sắp tới sẽ cho ra mắt điểm du lịch cộng đồng Hưng Phú ở xã Hưng Phú (Mỹ Tú). Nói về mô hình du lịch homestay, không thể không nhắc đến Homestay Mai Huyên của cụ ông Mai Huyên người Khmer ở xã Phú Mỹ (Mỹ Tú). Đây là mô hình tự phát cũng đã hoạt động được mấy năm nay và thu hút được nhiều du khách quốc tế đến với Sóc Trăng, đặc biệt là các du khách thích khám phá văn hóa dân tộc thiểu số.
Sau 2 tháng hoạt động, điểm đến du lịch sông nước miệt vườn cồn Mỹ Phước đã được một số công ty lữ hành và du khách các tỉnh, thành phố lân cận trong nước và quốc tế biết đến. Đây là một tín hiệu khởi đầu tốt cho điểm du lịch cộng đồng đầu tiên của du lịch Sóc Trăng, làm tiền đề cho công tác phát triển mô hình du lịch này. Tính từ giữa tháng 12/2016 cho đến đầu tháng 2/2017, điểm du lịch cồn Mỹ Phước đã đón trên 3.000 lượt khách tham quan, trải nghiệm và lưu trú tại các hộ dân. Theo quan sát của UBND xã Nhơn Mỹ, khách đến tham quan không chỉ đến từ các tỉnh, thành phố phía Nam mà còn có cả khách từ các tỉnh, thành phố miền Trung và miền Bắc. Đặc biệt, còn có một số đoàn khách quốc tế đến từ Đài Loan, Pháp, Mỹ và một số Việt kiều về thăm quê nhân dịp Tết Đinh Dậu năm 2017.
Tính đến thời điểm hiện nay, Sóc Trăng có 8 di tích lịch sử cấp quốc gia, 27 di tích cấp tỉnh được công nhận và có 3 điểm được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh (chùa Mahatup, Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt, Tân Huê Viên) và 174 cơ sở lưu trú du lịch. Trong đó, tỉnh đã thẩm định 64 cơ sở, gồm: 1 khách sạn 3 sao, 11 khách sạn 2 sao, 18 khách sạn 1 sao, 34 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch, với 1.327 phòng. Nhìn chung, các cơ sở lưu trú du lịch từng bước được chỉnh trang, đầu tư trang thiết bị hiện đại, tình hình vệ sinh môi trường, an ninh trật tự được đảm bảo, chất lượng dịch vụ được nâng cao, số lượng cơ sở lưu trú được đánh giá là đáp ứng đủ phục vụ du khách. Hiện cũng đã có 4 công ty du lịch Sóc Trăng hoạt động lữ hành nội địa, tích cực phối hợp với cơ quan chuyên môn trong hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch.
Chỉ riêng năm 2016, du lịch Sóc Trăng đã thu hút được hơn 1,1 triệu lượt khách, trong đó có gần 282.000 lượt khách lưu trú với tổng doanh thu ngành du lịch đạt 460 tỉ đồng. Tính từ khi tái lập tỉnh đến nay, tổng số lượt khách lưu trú đạt trên 2 triệu lượt (trong đó, khách quốc tế gần 200.000 lượt, khách trong nước gần 1,8 triệu lượt), tổng lượt khách tham quan trên 10 triệu lượt (khách quốc tế gần 2,5 triệu lượt, khách nội địa gần 7,5 triệu lượt). Qua đó, doanh thu của ngành du lịch trong 25 năm đạt trên 20.000 tỉ đồng.
Chuyên gia du lịch nhận định: “Lượng khách lưu trú tại Sóc Trăng còn khá thấp, tỉnh cần có thêm nhiều sản phẩm du lịch phục vụ ban đêm để thu hút khách lưu trú, điều này cần sự nỗ lực của toàn ngành văn hóa - thể thao và du lịch Sóc Trăng, như: nâng chất các chợ đêm hiện có; mở thêm dịch vụ vui chơi, giải trí tại Trung tâm Văn hóa triển lãm Hồ Nước Ngọt về đêm; tổ chức sân khấu văn nghệ dân tộc tại Bảo tàng tỉnh hoặc Nhà trưng bày văn hóa Khmer; phát huy công năng sử dụng của khán đài đua ghe ngo, tổ chức định kỳ các cuộc đua vỏ lãi, chèo xuồng tam bản tại đường đua phục vụ du khách...”.
Sau 25 năm tái lập tỉnh, ngành du lịch đã gặt hái được kết quả nhất định. Kỳ vọng rằng, những kế hoạch của ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh trong thời gian tới sớm được triển khai, để du lịch Sóc Trăng hướng đến tương lai phát triển.
TTXT du lịch Sóc Trăng