Những năm gần đây, Trung tâm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng đã nỗ lực cải tiến và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần đưa lượng khách đến du lịch Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, Quảng Bình tăng đột biến.
Những tuyến, điểm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng do Trung tâm quản lý và khai thác gồm: Điểm du lịch động Phong Nha, động Tiên Sơn, tuyến du lịch Phong Nha - khám phá chiều sâu bí ẩn, tuyến du lịch Sông Chày - Hang Tối, tuyến du lịch khám phá thiên nhiên Rào Thương - Hang Én, điểm du lịch sinh thái suối Nước Moọc, tuyến du lịch khám phá thiên nhiên thung lũng Sinh Tồn - Hang Thủy Cung, điểm du lịch tâm linh Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng.
Theo ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm, trước năm 2012 do cơ sở hạ tầng cũng như trang thiết bị phục vụ công tác đón tiếp khách tham quan chưa đồng bộ, lạc hậu và hầu như không phát triển dịch vụ bổ trợ nào nên trung tâm gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy những hạn chế đó, sau khi kiện toàn lại bộ máy tổ chức, khu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng đã xây dựng chiến lược phát triển cụ thể trên từng lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, nhân sự, công tác quảng bá, liên kết, đa dạng hóa dịch vụ... nhằm khai thác các tuyến, điểm, tour Phong Nha Kẻ Bàng hợp lý, hiệu quả hơn và thu hút khách du lịch ngày càng tăng.
Trung tâm đã huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ, quản lý và khai thác các điểm du lịch, tuyến khám phá Phong Nha Kẻ Bàng. Để tạo sức hút đối với du khách, đầu tiên trung tâm đã thuê tư vấn quy hoạch chi tiết các khuôn viên đón khách tại trung tâm, nhà chờ, hang Tối, suối Nước Moọc... đồng thời tạo được nhiều sự thay đổi sáng tạo, phá vỡ sự đơn điệu trong khai thác du lịch hang động và tính thời vụ.
Đơn cử trung tâm đã tiến hành thuê chuyên gia quốc tế thiết kế lại hệ thống điện chiếu sáng động Phong Nha, động Tiên Sơn trên cơ sở loại bỏ đèn Metan, Halogen tỏa nhiệt cao, tiêu thụ năng lượng lớn, đèn màu sặc sỡ, hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực đến thạch nhũ, môi trường hạng động mà thay vào đó là sử dụng đèn Led trắng, ít tỏa nhiệt và tạo được màu thực của hệ thống thạch nhũ.
Đồng thời cải tạo cơ sở hạ tầng, xây dựng phòng chiếu phim tài liệu phục vụ công tác đón tiếp khách dâng hương tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ Đường 20 - Quyết Thắng; nâng cấp đội thuyền du lịch với trên 50% số lượng phương tiện của đội thuyền Phong Nha đã chuyển đổi sang mẫu mới bằng kim loại, hạn chế được 90% độ rung, 70% tiếng ồn và đặc biệt không sử dụng vật liệu gỗ nhằm hạn chế tác động xấu đến tài nguyên rừng... Nhờ đó, các điểm du lịch ở Phong Nha Kẻ Bàng đã có diện mạo mới, khang trang, đẹp đẽ, thu hút được đông đảo khách du lịch và được du khách đánh giá cao.
Từ những điểm du lịch sẵn có, trung tâm đầu tư nghiên cứu phát triển thêm nhiều loại hình du lịch, dịch vụ bổ trợ phong phú, trong đó có nhiều sản phẩm mới lạ, độc đáo duy nhất có ở Việt Nam. Đó là, Zipline khám phá hang động (là hệ thống Zipline 2 dây dài nhất Việt Nam); tắm bùn hang động (tại Hang Tối là điểm du lịch duy nhất cung cấp dịch vụ tắm bùn hang động); các trò chơi thể thao trên sông hấp dẫn như cầu mạo hiểm, bóng nước, bóng rổ trên nước, Zipline tắm sông; xây dựng các sản phẩm du lịch mới lạ, hấp dẫn như ngâm chân thảo dược, ngắm chim... đã khiến những người yêu thích dịch chuyển ấp ủ mong muốn đến trải nghiệm.
Chị Thu Hà đến từ Hà Nội đã có kinh nghiệm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng cho biết, cách đây 5 năm chị rất vất vả khi tìm nhà hàng 100 chỗ ngồi trở lên có lắp điều hòa trên địa bàn xã Sơn Trạch (Bố Trạch). Tuy nhiên, trở lại lần này chị đã nhận thấy có sự thay đổi lớn, trong đó ngoài việc xuất hiện nhiều loại hình du lịch, dịch vụ bổ trợ thì đáng ghi nhận là hầu hết các nhà hàng trong khu vực đã có sự đầu tư bài bản, sạch sẽ, khang trang và lắp đặt điều hòa.
Có thể nói, để có được sự tiến bộ vượt bậc đó, Trung tâm đã phải nỗ lực trong việc xây dựng các tổ hợp giải trí, nhà hàng, khách sạn ở Phong Nha Kẻ Bàng và chính điều này đã góp phần kích thích người dân địa phương cùng chung tay làm du lịch, đầu tư xã hội trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú. Bởi ngay sau khi 2 tổ hợp nhà hàng gồm Heritage By Night chất lượng cao và nhà hàng Sơn Đoòng với trang thiết bị hiện đại đi vào hoạt động thì đa số các nhà hàng trong vùng cũng đầu tư cải tạo mới nhằm tạo sự cạnh tranh trong việc thu hút khách.
Nói về công tác xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Phong Nha Kẻ Bàng ra quốc tế, ông Lê Thanh Lợi thông tin thêm, hàng năm Trung tâm đã dành tối thiểu 10% doanh thu cho công tác quảng bá. Ngoài quảng bá trên các phương tiện truyền thông như báo chí, truyền hình, internet, các tạp chí du lịch trong và ngoài nước, website... thì đơn vị đang có phương thức quảng bá đổi mới theo chiến thuật “quảng cáo rẻ tiền nhưng hiệu quả cao”, thông qua lợi thế của Vlog (là những đoạn nhật ký video ngắn hoặc là các chương trình video thủ công mà mọi người đều có thể tự thực hiện bằng máy quay video của mình với sự “gia công” chút đỉnh của máy tính). Nhờ vậy, hình ảnh Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng cùng các tuyến, điểm du lịch của Trung tâm được đăng tải trên internet, mạng xã hội đã thu hút hàng triệu lượt người xem.
Đặc biệt, với mục tiêu xây dựng đội ngũ nhân viên làm du lịch chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch trong thời đại mới, Trung tâm đã chú trọng cơ chế thu hút và tuyển dụng đội ngũ lao động có năng lực, tay nghề cao, tận tình và sử dụng thông thạo ngoại ngữ. Nhờ đó, năm 2015 Trung tâm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng đã thu hút được 394.000 lượt khách, tăng 75% so với năm 2011, trong đó khách quốc tế trên 51.000 lượt; tổng doanh thu năm 2015 đạt 60 tỷ, tăng 310% so với 2011 và nộp ngân sách nhà nước 26 tỷ đồng, gấp 4,2 lần năm 2011.
Nổi bật, trong 6 tháng đầu năm mặc dù du lịch trong tỉnh gặp nhiều khó khăn sau sự cố môi trường biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, nhưng Trung tâm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng đã nỗ lực thu hút khách về du lịch phám phá hang động kết hợp trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên đặc sắc... Đến thời điểm này, trung tâm đã đón tiếp được gần 237.000 lượt khách, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó có 35.000 khách quốc tế, tăng 20% và cho tổng doanh thu đạt 44,6 tỷ đồng, riêng thu từ dịch vụ đạt 17 tỷ, tăng hơn 40% so với năm 2015.
Qua đó, trung tâm đã tạo công việc có thu nhập ổn định cho người lao động trong đơn vị với mức 7,5 triệu đồng/người/tháng (gấp 2,7 lần so với năm 2011), những người hưởng lương theo sản phẩm đạt 8-15 triệu/người/tháng, đồng thời ưu tiên sử dụng lao động tại địa phương, góp phần hạn chế mưu sinh dựa vào khai thác tài nguyên rừng của người dân địa phương.
Chia sẻ về “chìa khóa” thành công của ngày hôm nay, ông Lê Thanh Lợi khẳng định, bên cạnh sự đoàn kết, đồng lòng của đội ngũ lao động thì đơn vị thực sự đã có đổi mới trong việc huy động tối đa mọi nguồn vốn để đầu tư kinh doanh dịch vụ ăn uống, lữ hành, Zipline, vui chơi giải trí... Thực tế cho thấy, để xây dựng môi trường du lịch thân thiện đối với du khách và mang lại hiệu quả cao, thì việc huy động nguồn vốn từ người lao động để kinh doanh dịch vụ bổ trợ vừa mang lại thu nhập cho họ, vừa là cơ sở, động lực giúp người lao động có tinh thần trách nhiệm hơn trong công việc. Bởi vậy, trong 3 năm (2013-2015), viên chức, người lao động của Trung tâm đã huy động gần 15 tỷ đồng và riêng đầu năm 2016 đến nay người lao động đã tiếp tục đăng ký góp 25 tỷ đồng để đầu tư các dịch vụ du lịch...
Với việc tập trung khai thác tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có về du lịch và coi trọng việc xây dựng thương hiệu du lịch Phong Nha Kẻ Bàng, hy vọng trong thời gian tới, Trung tâm du lịch Phong Nha Kẻ Bàng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội của Quảng Bình.
TTXT du lịch Quảng Bình