Địa điểm du lịch Kênh gym

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời

20/04/2016 - 3012 view
Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời

Hang Sơn Đoòng ở Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đã nổi tiếng khắp 5 châu bởi là hang động lớn nhất thế giới với sự hùng vĩ và kỳ thú độc đáo. Ai cũng muốn một lần đặt chân đến đây để được khám phá kỳ quan. Đầu năm 2016, tôi may mắn chạm được ước mơ và vượt qua “bức tường Việt Nam” xuyên Sơn Đoòng.

Lần đầu ngủ hang

Nhiều năm trôi qua, đến nay tôi vẫn còn nhớ như in đó là một ngày gần cuối tháng 9/2009, tại hội trường UBND tỉnh Quảng Bình, đoàn thám hiểm thuộc Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh dõng dạc tuyên bố phát hiện hang động lớn nhất thế giới nằm trong hoang mạc đá vôi Phong Nha Kẻ Bàng và được đặt tên là hang Sơn Đoòng. Khi đó, nhà thám hiểm hàng đầu Howard Limbert có nói hang động chứa đựng nhiều nguy hiểm và khuyến cáo mọi người không tự tổ chức hoạt động du lịch đến đó. Cùng với quãng đường xa, gian truân nên chẳng ai nghĩ đến chuyện sẽ xách ba lô lên tìm đến Sơn Đoòng. Bẵng đi một thời gian khá dài, Công ty Oxalis được phép tổ chức tour Sơn Đoòng thử nghiệm và thành công, họ được cấp phép chính thức.

Hang Sơn Đoòng mở cửa, nhưng nhiều người chưa chạm tới được bởi đây không phải tour đại trà, mỗi tour chỉ tối đa 10 khách và mức giá lên đến 3000 USD ~ 66 triệu đồng/người cho nhiều khoản tốn kém. Đặc biệt đây là tour mạo hiểm với độ khó rất cao, có khách phải quay về giữa đường đi. Rồi việc đặt chỗ cũng phải xếp hàng vì số lượng người đăng ký du lịch Sơn Đoòng quá nhiều. Tôi cũng đăng ký và chờ đợi. May mắn đến vào một ngày giữa tháng 1/2016 khi nhân viên của Oxalis thông báo tôi chuẩn bị để lên đường. Cảm giác lúc đó thật sung sướng xen lẫn lo lắng. Tôi nhanh chóng gác lại các kế hoạch khác bởi cơ hội du lịch động Sơn Đoòng không nhiều.

Trời vừa sáng, tôi đã có mặt ở đại bản doanh của Oxalis tại Phong Nha, sau đó được nhân viên của Oxalis hướng dẫn, phổ biến thông tin, phát giày, mũ bảo hộ chuyên dụng leo núi, 2 túi bóng nilong, túi bảo hộ để đựng áo quần, tư trang, các thiết bị mang theo như điện thoại di động, máy ảnh. Cái gì nhẹ và muốn mang theo người thì mang, như máy ảnh, chân máy, điện thoại, còn tư trang áo quần cho vào túi riêng để các porter (nhân viên khuân vác) mang hộ và sẽ được trả lại tại mỗi điểm cắm trại trong hang. Trong lúc đó, bộ phận hậu cần và các porter cẩn thận đóng gùi hành lý, dụng cụ nấu nướng, lương thực thực phẩm phục vụ khách và để ăn uống ngủ nghỉ trong suốt hành trình.

Khi mọi thứ xong xuôi, xe của Oxalis chở đoàn trực chỉ hướng đường 20 - Quyết Thắng xuất phát, đến ngã tư Trạ Ang thì rẽ theo đường Hồ Chí Minh nhánh tây chạy khoảng 45 phút thì dừng xe. Đây chính là điểm khởi đầu hành trình đi bộ xuyên rừng đến du lịch hang Sơn Đoòng, tại đây có nhà chờ tập kết. Một lần nữa, các chuyên gia người Anh và hướng dẫn viên của Oxalis kiểm tra lại tư trang của mọi người kèm những lời dặn dò.

Đoàn chúng tôi xuất phát theo lối mòn nhỏ, chỉ mấy bước chân người đi trước đã khuất sau lùm cây rậm rạp, đứng ở nhà chờ nhìn xuống chẳng thấy bóng dáng đâu. Cứ thế chúng tôi nối chân nhau đổ dốc chừng vài chục phút lại lên dốc, lúc này những bước chân bắt đầu thấm mệt. Tới một con dốc khá cao, người gọi dốc Bà Giằng, người nói Ba Giàn, đất thì chỗ trơn trượt, chỗ lại lởm chởm đá, phải nhích kê từng bước chân, không cẩn thận là trượt xuống vực như chơi. Trời mưa lại có nhiều đoạn đường đất nên tôi phải đối mặt với thử thách không nhỏ khác là bầy vắt ngo ngoe chực chờ đeo bám hút máu người. Lên hết dốc này, đổ dốc xuống mất khoảng 1 giờ đồng hồ thì bắt đầu men theo các triền suối; đoạn này xuất hiện loài cây Nàng Hai, nếu không may dính vào sẽ bị ngứa ở bề mặt da kéo dài cả tuần lễ mà không cách gì chữa trị.

Đi hơn tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi đến bản Đoòng, bản của người dân tộc Vân Kiều sống co cụm biệt lập giữa Phong Nha Kẻ Bàng. Ngồi đây nghỉ ngơi, trò chuyện tìm hiểu văn hóa dân bản ít phút, đoàn lại lên đường đi sâu vào rừng. Chúng tôi theo các triền suối, băng qua rất nhiều con suối, nhiều đoạn sâu hơn đầu gối và nước chảy xiết. Sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, đoàn đi thêm khoảng 2 giờ đồng hồ nữa thì chạm cửa hang Én, được xác định hang lớn thứ 3 trên thế giới. Đây là nơi cư trú của hàng vạn con chim én.

Từ cách xa mấy trăm mét đã thấy cửa hang Én to lớn treo ở trên cao nhưng đó như là cửa sổ của hang, chúng tôi phải đi vòng sang bên phải luồn lách qua mấy con suối sâu và vách đá để đến cửa vào hang nằm thấp xuống phía dưới. Cửa này nhìn từ trong ra có cảm giác gần như hốc mũi với 2 lỗ 2 bên và có sống ở giữa. Đoàn vào cửa hang tập trung nghỉ ngơi, đợi những người đi sau và đội mũ bảo hiểm, thử đèn để bắt đầu hành trình trong hang tối. Từ cửa hang, chúng tôi leo qua mấy hốc đá mất chừng 10 phút thì đến vòm hang rộng lớn, nơi chúng tôi đứng là những mỏm đá ở lưng chừng hang, nhìn ra phía xa, nền hang ở dưới là bãi cát và đá nhỏ bằng phẳng, bên cạnh có suối nước xanh. Cái cửa hang trên cao mà chúng tôi gọi là cửa sổ đang tỏa ánh sáng xuống khu bãi cát. Đứng trên các mỏm đá nhìn xuống bãi cát khung cảnh thật hữu tình; ai cũng vội lấy máy ảnh, điện thoại ra để ghi lại những hình ảnh độc đáo đó.

Ngắm cảnh xong, chúng tôi bám theo các khối đá xuống phía dưới rồi lội qua suối, chỗ nước sâu được bắc cái cầu tạm. Bên kia suối là bãi cát hay còn gọi bãi cắm trại. Tại đây, các porter bắt đầu dựng lều ngủ và chuẩn bị bữa tối cho đoàn. Còn du khách ai muốn ngắm cảnh, chụp ảnh, dạo bãi cát hay tắm suối tùy thích; nước suối trong sạch và chảy êm đềm nên tha hồ bơi lội. Trước khi tắm, tôi không quên nằm dài trên bãi cát, mắt nhìn trần hang (cao hơn 100m) thả hồn tơ tưởng.

Khi ánh sáng qua cửa sổ hang nhạt dần cũng là lúc chúng tôi bắt đầu dùng bữa tối, mọi người cùng ăn dưới ánh đèn pin đủ độ sáng và nhìn trời tối dần qua cửa sổ, lòng hang lúc này tối om. Sau bữa tối, những ai yêu thích nhiếp ảnh tiếp tục cầm máy để ghi lại những khoảnh khắc hiếm có trong hang; dưới ánh sáng yếu, sử dụng kèm đèn pin chiếu 2 đầu và để chế độ phơi sáng thì nước suối ở chỗ này càng xanh ngắt hơn. Ngồi trò chuyện với các porter bên bếp lửa hồng cũng thú vị không kém, nhờ đó tôi biết nhiều hơn về công việc, đời sống của họ. Xong những câu chuyện rôm rả, chúng tôi về lều nghỉ ngơi sau một ngày băng rừng lội suối lấy sức cho hành trình khó khăn ngày mai. Cảm giác lần đầu ngủ trong hang tối, lại ở trong lều rất khác lạ, thú vị và tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời 2

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời 3

Chạm cửa thiên đường

Sau bữa sáng tại khu cắm trại hang Én, chúng tôi thu dọn lều bạt, đồ đạc để tiếp tục hành trình hang Sơn Đoòng tour. Hướng đi vào phía trong bóng tối hang Én. Đến giờ xuất phát, tất cả cùng bật đèn pin gắn trên mũ bảo hộ và tiếp bước nhau. Đoàn lội qua con suối rồi men theo các khối đá leo lên phía trên cao mất chừng 15 phút thì đến khu cửa sau hang Én với vòm cửa hang rộng lớn tỏa ra sâu và xa phía dưới; đây chính là một trong những nơi quan trọng được các nhiếp ảnh gia ghi hình để sử dụng làm thương hiệu mà bấy lâu nay chúng ta bắt gặp trên truyền thông. Từ hình ảnh trên truyền thông giờ được bước vào thế giới thực đem lại cho tôi cảm giác vô cùng phấn khích.

Ghi hình xong, chúng tôi bám vào vách đá tụt xuống dưới nền hang để đi tiếp ra ngoài cửa. Từ đó, đoàn lội theo con suối ngoằn ngoèo mà người địa phương gọi Rào Mạ của Khe Đoòng. Đoàn cứ thế đi, lúc trên cạn, lúc băng qua suối, lúc bám ven bờ suối, mất khoảng 45 phút thì đến chỗ suối chui tọt vào dưới các khối đá gọi là Nước Lặn.

Tới đây đoàn lên bờ nghỉ chân và bắt đầu chặng leo dốc núi, khu vực này có khá nhiều cây Nàng Hai, mọi người nhắc nhau cẩn thận để không bị vướng vào. Chúng tôi bám đá leo từng bước một lên dốc, nhiều đoạn gần như dựng đứng, chừng 25 phút thì đến điểm tập kết ở khu vực ngoài cửa Sơn Đoòng. Chỗ này là một khoảnh đất nhỏ khá bằng phẳng, đứng ở đó không thấy được cửa động lớn nhất thế giới nằm phía dưới nhưng dễ dàng nhận biết vì hơi sương tỏa ra mù mịt cả một vùng. Đây chính là dấu hiệu mà Hồ Khanh, người phát hiện ra hang Sơn Đoòng đã kể lại với đoàn thám hiểm người Anh để tiến hành tìm kiếm sau đó.

Chúng tôi lưu lại đây khá lâu, vừa để ăn trưa nghỉ ngơi lấy sức chuẩn bị cho chặng khó nhất vừa để các chuyên gia kiểm tra các dây thừng, đai lưng an toàn. Sau đó, 3 chuyên gia mang theo thiết bị an toàn xuống trước để lắp đặt và kiểm tra lại hệ thống; khi đã ổn họ mới ra hiệu cho mọi người xuống cùng với những chuyên gia khác. Có 2 dây thừng, 1 được neo chặt từng đoạn trong các vách đá và 1 thả lỏng để khách bám vào. Từ thời điểm này, quy trình an toàn được đặt lên mức cao nhất. Trên đai đeo lưng của mỗi người có 2 dây với móc khóa và 2 móc này được di chuyển liên tục với nhau; mỗi khi qua các điểm nút của dây thừng neo vào vách đá thì phải chuyển lần lượt từng móc từ bên này sang bên kia, đảm bảo lúc nào cũng phải có 1 cái móc vào dây an toàn. Cứ thế chúng tôi di chuyển từng đoạn từng đoạn xuống phía dưới, lách người qua các khe đá nhỏ, tiếp tục tụt xuống thì chạm đến cửa hang Sơn Đoòng và cũng đồng nghĩa với độ khó tăng lên gấp bội.

Lọt qua cửa hang một đoạn, nhìn xuống chỉ một màu đen hun hút, mặc dù trên đầu tôi đang có đèn rọi xuống và đèn của một số người đã xuống trước cũng như của chuyên gia tại các điểm nút đang tỏa sáng. Ánh đèn cực sáng nhưng chỉ đủ soi đến mấy mỏm đá nhô ra gần tôi. Đã từng đu dây xuống khảo sát động Thiên Đường nhưng lần này vẫn khiến cho tôi có cảm giác rờn rợn. Tôi cố tập trung vào điểm gần với những sợi dây an toàn để tiếp tục neo người xuống chứ càng tò mò đến màn đêm ở dưới càng đẩy mình vào tâm lý không ổn định. Mất khoảng 20 phút bám theo các vách đá sâu khoảng 80m thì đoàn xuống đến nền hang. Sự lo lắng biến mất thay vào đó là cảm giác sung sướng vì đã chinh phục được màn mạo hiểm.

Đoàn tiếp tục len qua các khối đá di chuyển vào trong, dọc đường tôi bắt gặp những khối bùn sét đông cứng lại có thể nhào nặn thành bất cứ vật gì, hay các khe nứt tạo thành vân đá rất đẹp. Tiếp đến, chúng tôi băng qua dòng suối chảy xiết, để đảm bảo an toàn thì một sợi dây thừng màu đỏ cam được néo từ bên này bờ sang bên kia và nối dài lên trên vách đá cao. Vì bên kia bờ là cả vách đá, phải leo lên trên đó khá nguy hiểm, chỉ cần sơ sẩy nhỏ sẽ bị nước cuốn ngay điểm chảy xiết nhất. Lên được rồi, di chuyển qua các khối đá, sau đó băng qua tiếp đoạn suối nữa bằng dây neo an toàn, lại bám đá leo lên phía trên một lúc nữa thì thấy ánh sáng của giếng trời thứ nhất (doline 1) đổ xuống. Từ vị trí này thấy được “bàn tay chó”, đó là khối thạch nhũ có hình thù bàn tay khi nó được quan sát từ trong tối còn phía sau là nền sáng của giếng trời. Đoàn tiếp tục bám đá leo xuống phía dưới, trườn qua các khe đá hẹp, khi thì các mỏm đá trơn và hố sụt để hướng đến bãi cắm trại đầu tiên trong hang Sơn Đoòng.

Bãi cắm trại này là khoảnh thạch nhũ khá bằng phẳng nằm ở lưng chừng động, tưởng tượng như cái ban công của ngôi nhà 2 tầng, trên mặt có đất cát mịn màng; phía ngoài ban công, sâu xuống dưới là vực thẳm, có nước róc rách. Cách chỗ này không xa nữa là giếng trời. Lúc này đã gần 4 giờ chiều, ánh sáng từ giếng trời đổ xuống mờ nhạt trong làn khói sương tạo nên hình ảnh hang Sơn Đoòng đầy huyễn hoặc mà ấm cúng đến lạ thường.

Trong hang, giờ giấc sinh hoạt không như ở bên ngoài, mọi thứ sớm hơn bình thường vì thiếu ánh sáng. Ở đây tất cả gần như trở về thời nguyên thủy. Vì thế, nếu để ý sẽ thấy thời gian trôi rất chậm. Tôi trải qua bữa tối thứ 2 trong lòng động nhưng lần này hoàn toàn khác bởi vì đây đã là hang Sơn Đoòng lớn nhất thế giới. Ngồi ăn trong không gian kỳ vĩ, xung quanh nào là những măng đá, thạch nhũ đủ hình thù thì quả có một không hai. Ánh sáng lọt qua miệng giếng trời yếu dần cho đến lúc lòng hang tối om, chỉ còn thấy miệng giếng là một đốm sáng lờ mờ.

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời 4

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời 5

Giếng trời và vườn địa đàng

Tiếng dụng cụ chuẩn bị bữa sáng và có lẽ cả tiếng nước róc rách đã đánh thức tôi dậy. Đưa tay kéo dây khóa lều ngủ, tôi thò đầu nhìn ra ngoài, giếng trời đã chiếu ánh sáng mờ ảo xuống dưới. Bắt đầu ngày mới với nhiều kỳ thú chờ đợi phía trước. Tôi vô cùng háo hức muốn tiếp cận với cái giếng trời đã thấy từ chiều hôm trước, đến ngay đó xem nó ngang dọc ra làm sao và chứa đựng những gì, rồi thoát ra khỏi giếng như nào.

Ăn sáng xong, đoàn gói ghém tư trang hành lý, thu dọn lều bạt cho vào túi cẩn thận. Từ bãi cắm trại, chúng tôi vòng xuống sát đáy hang Sơn Đoòng theo các khe đá rồi lại leo lên trên các mỏm đá, luồn chui qua các khối đá chừng 20 phút thì tới được đáy giếng trời. Đây là hố sụt cực lớn, có lẽ do quá trình kiến tạo địa chất, một khoảnh trần hang đã tách ra khỏi liên kết và rơi xuống nền tạo nên lỗ thủng tròn như miệng giếng. Ở dưới đáy hang nhìn lên chỉ thấy bầu trời, có lẽ vì thế mà được nó được ví như giếng trời. Khu vực dưới đáy hang vẫn còn dấu hiệu cho thấy nhiều tảng đá lớn rơi xuống đổ bể chồng chất lên nhau và văng ra xa khỏi vị trí trung tâm vụ đổ sập. Ngồi dưới đáy giếng những tưởng sẽ không có lối ra tiếp, động kết thúc ở đó. Nếu không có người hướng dẫn thì chắc chắn tôi hay với bất cứ ai lần đầu đến đây đều phải quay ngược trở ra đường cũ.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi bám đá leo lên trên đống đổ nát cao mà trước đó những tưởng là vách giếng. Leo nửa chừng, ngoảnh nhìn lại bãi cắm trại 1 thông qua ống hang tròn chỉ thấy mờ mờ một số lều trại của porter còn chưa dọn. Thế mới thấy được độ vĩ đại của hang Sơn Đoòng. Leo tiếp dốc đứng một lúc thì mở ra lối đi sang bên kia với không gian rộng lớn và cảnh đẹp như tranh. Dân mê thám hiểm gọi chỗ này là “vọng khủng long” bởi độ lớn của hố sụt, của đống đất đá đổ từ trần hang rơi xuống. Tính từ miệng đến đáy của giếng này lên đến 440m. Tiếp tục đi, tôi gặp khu rừng nguyên sinh đầu tiên trong lòng động với cây cối xanh tốt; mưa nhỏ và hơi sương làm lá óng ánh. Băng qua khu rừng này chính là khu thạch nhũ hình tháp tròn tựa như cối xay lúa ngày xưa với nhiều nấc thang. Khoảng không bao la xung quanh trụ thạch nhũ này, leo lên đứng giữa trụ rồi chụp ảnh tạo nên khuôn hình đẹp mỹ mãn.

Sau ít phút nghỉ ngơi, thưởng lãm cảnh đẹp, chúng tôi men theo sườn đá di chuyển xuống phía dưới khoảng không của trụ thạch nhũ tròn đó. Tiếp tục đi vào trong thì gặp những bồn nước xanh xếp thành từng lớp nối nhau như ruộng bậc thang do canxi kết tủa tạo thành. Kế bên đó là khu vực chân của một cột thạch nhũ khổng lồ. Tận dụng mặt bằng ở đây, bữa trưa đơn giản với cơm chiên, bánh ngọt và trái cây được bày ra trên tấm bạt. Vừa nhấm nháp vừa ngắm cảnh đẹp, tiếc là hôm đó trời mây mù nên không chiêm ngưỡng được khoảnh khắc những tia nắng lọt qua giếng trời chiếu vào động tạo thành luồng sáng khổng lồ. Sau đó, tôi được dẫn leo lên trên đỉnh cột thạch nhũ để tận mắt chứng kiến những viên ngọc động tròn vo. Ở đây có những dòng nước chảy tí tách từ trần động xuống, không hiểu bằng cách nào lại hình thành nên những viên ngọc đẹp đến thế. Đứng ở vị trí này cũng mang đến một góc nhìn khác vô cùng thú vị về giếng trời, qua ống kính máy ảnh nó như hình một chiếc lá.

Rời khu doline 1, chúng tôi đi qua những khối thạch nhũ khổng lồ lù lù trong bóng tối, đoạn đường này có phần dễ dàng hơn. Gần 20 phút sau thì ánh sáng từ doline 2 xuất hiện. Để ghi hình nó từ xa, tôi được chỉ dẫn trèo lên trên dãy thạch nhũ to lớn, từ đó phóng ống kính ra thu được nguyên hình dạng “ô cửa” từ giếng trời đổ xuống lòng động. Ở đó có từng tảng đá xen lẫn những mảng màu xanh tươi của lá cây, phía đằng xa là khu rừng nguyên sinh thứ 2 trong hang Sơn Đoòng, nó được mệnh danh là “vườn địa đàng”.

Chúng tôi tụt xuống dưới chân dãy thạch nhũ lớn để tiến về phía giếng trời. Từ đáy động, ngược dốc lên trên, đi qua những ruộng bậc thang dương xỉ mượt mà phấp phới. Đến đáy giếng, tôi ngước nhìn lên mở ra một không gian bao la; miệng giếng tròn trịa, trên đó có cây xanh lớn, còn phía ngoài chính là bầu trời, mây mù vần vũ xuống đến lưng chừng miệng giếng. Thành giếng là vách đá thẳng đứng. Cũng giống như ở doline 1, tôi không tài nào tưởng tượng ra nổi hành trình tiếp sẽ theo hướng nào, nhìn quanh thành giếng tuyệt nhiên không thấy một lối mở, một khe hở nào, mà nếu có chắc phải lên bằng thang dây chứ đâu thấy lối lên.

Để thêm phần hấp dẫn, tôi không hỏi trước hướng dẫn viên hay chuyên gia. Sau phút nghỉ ngơi, các chuyên gia dẫn chúng tôi men theo lối mòn nhỏ tiến đến khu rừng nguyên sinh. Khu rừng này có điểm rộng nhất đến 168m và xin nhắc lại là nó nằm trong lòng hang Sơn Đoòng. Đến rừng, chúng tôi leo lên những con dốc đá cao và ngoằn ngoèo, hai bên cây cối đủ loại từ thân mềm như chuối rừng đến những cây gỗ cổ thụ. Có cây lớn lâu năm bị gãy đổ nằm chắn ngang lối đi. Cứ thế, lên dốc, xuống dốc, có đoạn đi qua khu rừng bằng bằng một lúc rồi cũng ra khỏi rừng; men theo các tảng đá, qua chỗ khá trơn trượt và vậy là chúng tôi đã xuyên thấu qua thành giếng để đứng ở khoang bên kia động. Tổng thời gian khoảng 15 phút. Từ đây, nhìn xuống phía xa trong lòng động thấy khu cắm trại 2; bóng dáng các porter đi lại ở khu cắm trại chỉ nhỏ tí. Đúng là thiên nhiên thật kỳ thú, có những điều tưởng như không thể lại xảy ra.

Chúng tôi tiếp tục luồn qua các vách đá, đổ dốc xuống bãi cắm trại. Đồng hồ chỉ 14 giờ 15 phút. Khu cắm trại 2 có vòm hang khá lớn. Chúng tôi chọn những vị trí bằng phẳng sát vách hang để hạ trại. Tôi phát hiện ra điều trùng hợp thú vị là ở hang Én và hang Sơn Đoòng đều có những bãi phẳng sát cửa hang và giếng trời, vừa đủ mặt bằng và ánh sáng thuận lợi cho dựng trại nghỉ ngơi, sinh hoạt. Nếu đi sâu vào trong, vừa tối lại không có diện tích.

Đến đây, hành trình chinh phục hang Sơn Đoòng của chúng tôi sắp kết thúc với muôn vàn kỳ thú. Chúng tôi đã trải qua bao nhiêu là sông suối, vượt bao nhiêu gành đá, rừng nguyên sinh, thạch nhũ... với độ khó đến cao trào, đã ngủ 2 đêm mãn nguyện trong lòng Sơn Đoòng, được chiêm ngưỡng bao cảnh đẹp hay hóa thạch hàng trăm triệu năm. Tuy nhiên, sức hấp dẫn và độ khó bậc nhất đang còn phía trước, đang chờ tôi vào ngày mai.

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời 6

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời 7

Vượt bức tường Việt Nam

Cho đến lúc vượt qua doline 2, thực sự tôi vẫn cảm giác chưa chạm được độ “khủng” của hang Sơn Đoòng để người ta khẳng định nó lớn nhất thế giới. Trong khi hành trình sắp kết thúc và tôi chỉ còn phải vượt “bức tường Việt Nam” nữa thôi. Đêm cuối trong lòng Sơn Đoòng, mang những băn khoăn này đến chuyên gia hang động hàng đầu Howard Limbert thì được ông giải thích: “Độ lớn của hang được căn cứ vào dung tích 38,5 triệu m3, điểm cao nhất trong tối hơn 200m, rộng nhất 150m, dài 9km. Tuổi hang vào khoảng 2,9 triệu năm, trong khi tuổi đá lên đến 450 triệu năm và được coi là khối đá vôi già nhất Đông Nam Á”. Howard Limbert nói thêm là ông chưa thấy nơi nào trên thế giới có cửa hang sập xuống (hố sụt) và rừng nguyên sinh trong hang như ở Sơn Đoòng.

9 giờ sáng ngày thứ 4 của hành trình, tôi tạm biệt đoàn. Đó là những hướng dẫn viên cũng lần đầu chinh phục hang Sơn Đoòng như Lê Vũ Bảo, Nguyễn Minh Phương; những chuyên gia hang động như Ian Waston, Trevor Wailes... và những porter trẻ. Chỉ hơn 3 ngày ngắn ngủi cùng nhau nhưng tôi coi họ như những người bạn, họ đã kề vai sát cánh, giúp đỡ tôi không ít. Tôi sẽ cùng với 2 chuyên gia Howard Limbert và Adam Spillane, 1 khách người Anh Collin và 1 porter Hoàng Văn Hoài vượt “bức tường Việt Nam” rồi ra cửa sau Sơn Đoòng trở về Phong Nha. Những người còn lại trong đoàn sẽ quay ngược trở ra theo đường cũ, về ngủ lại 1 đêm trong hang Én rồi về Phong Nha.

Trước khi khởi hành, tôi chỉ nghe mọi người nói “bức tường Việt Nam” cao đến 85m. Tôi không mường tượng ra được nó như thế nào, chỉ nghĩ là cũng như nhiều dốc cao khác ở trong ngoài động mà tôi từng leo. Qua cách nói chuyện loáng thoáng của mọi người có thể hiểu nó cực khó, như là thử thách lớn cho bất kỳ ai, vượt qua nó xem như chinh phục trọn vẹn hang Sơn Đoòng. Còn khó như nào thì kệ, hãy đi rồi biết, tôi bình thản đón nhận.

Để “dọn đường”, hai chuyên gia Howard Limbert và Adam Spillane chủ động rời bãi cắm trại trước. Sau đó, nữ chuyên gia Deb Limbert (sẽ không vượt “bức tường Việt Nam”) dẫn những người còn lại trong nhóm đi. Từ bãi cắm trại, chỉ mấy bước chân là chúng tôi đã chìm vào trong bóng tối hang Sơn Đoòng, đi thêm đoạn ngắn nữa bắt gặp ngay chùm thạch nhũ to tướng thả xuống từ trần động. Nhóm tiếp tục xuyên bóng tối, qua nhiều cột thạch nhũ khổng lồ, nó không nhiều hình thù như ở động Phong Nha hay Thiên Đường nhưng kích thước thì cực lớn. Vừa đi chúng tôi vừa dùng đèn pin trên đầu soi xem và không ngớt trầm trồ thán phục.

Đi chừng 15 phút, chúng tôi đến đoạn có những vòm hang lớn rất “khủng”, dường như điều tôi chờ đợi đã đến. Chỗ này các nhà thám hiểm đo được rộng hơn 145m, có điểm hơn thế nữa. Trong vòm hang “khủng” đó có rất nhiều cột thạch nhũ lớn mà tôi chưa thấy bao giờ. Vì khu này thường bị ngập nước nên nền hang có nhiều bùn khoáng, nhiều chỗ khá trơn trượt, ở một số điểm đọng nước có những chú cá nhỏ bạc trắng vì thiếu ánh sáng. Bà Deb nhẹ nhàng bước chân đến gần ao nước, soi đèn chỉ cho tôi thấy và nói loài mới ở hang Sơn Đoòng. Trên nền động, thỉnh thoảng bà Deb gặp một số con côn trùng trắng toát và đó cũng thuộc loài mới Sơn Đoòng. Tiếp đến, chúng tôi cùng chiêm ngưỡng “ruộng bậc thang” dưới nền động, trong đó có rất nhiều viên ngọc tròn trịa nằm đều đặn với nhau.

Quá nhiều kỳ vĩ nhưng chúng tôi buộc phải gói máy móc vào túi nilong cho vào gùi để xuống thuyền vượt sông đến vị trí “bức tường Việt Nam”. Bình thường khi con nước xuống, dòng sông này cạn có thể lội bộ hoặc bơi qua được nhưng đợt chúng tôi đi gặp lúc nước dâng, nhiều đoạn sâu 3-4m nên phải dùng thuyền. Mỗi thuyền ngồi 2 người. Ai cũng có mái chèo để chèo thuyền, vừa kết hợp tăng lực đẩy vừa cảm nhận trải nghiệm. Vòm hang chỗ này cũng rất cao.

Chèo khoảng 20 phút thì “bức tường Việt Nam” đã xuất hiện ở phía trước. Tôi phát hiện ra bởi vì ở đó có 1 chiếc thuyền và giữa lưng chừng bức tường có người đang leo lên. Chèo thuyền đến gần bức tường hơn nữa, nhìn rõ mới biết Howard Limbert đang leo, chắc hẳn Adam Spillane đã leo lên trước lo phần thiết bị. Hình dáng của Howard Limbert khuất dần trong bóng tối ở trên cao, ngước nhìn lên đủ thấy choáng ngợp. Tiếp cận bức tường, tôi thực sự hoảng bởi đây là mảng thạch nhũ khổng lồ có bề mặt thẳng đứng, lại trơn nhẵn không một khấc tì và ướt nhẹp. Ánh đèn pin rọi lên được đâu mười mấy mét. Tôi nghĩ, leo lên ngang đó cũng đủ hết hơi, rồi phần tối om phía trên đó nữa, nó như thế nào và có leo tới đó không. Quá nhiều băn khoăn, lo lắng.

Lúc sau đó, một thang dây nhỏ được thả xuống. Howard Limbert và Adam Spillane ở trên còn Deb Limbert ở dưới, các chuyên gia kiểm tra độ an toàn và thông báo cho nhau bằng bộ đàm. Mọi thứ ổn, Hoài lên trước. Dù đã từng vượt qua bức tường này và sức vóc của một porter nhưng những bước leo của Hoài không hề đơn giản. Đến đây, tôi lại nôn nao vượt thử thách, chỉ mong Hoài nhanh đến đích để tới lượt mình. Sau một lúc, sợi dây thừng lại được thả xuống, mọi người buộc nó vào móc an toàn trên đai đeo lưng của tôi. Dây này đóng vai trò rất quan trọng của cuộc vượt tường, vừa đảm bảo an toàn cho người leo không bị rơi xuống vực sâu, vừa để người ở trên đỉnh hỗ trợ kéo lên. Mọi thứ xong xuôi, bà Deb thông báo qua bộ đàm cho nhóm ông Howard trên đỉnh biết và ra hiệu cho tôi bắt đầu leo.

Đối với tôi, cái thang dây có vẻ hơi nhỏ, điều này khiến tôi có cảm giác lo lắng và khá khó khăn trong việc đặt chân vào lỗ thang. Thêm vào đó, nhóm ở trên kéo hơi nhanh làm cho tôi bị hụt, chưa kịp tìm trúng lỗ để đặt chân lên nấc thang, thành ra cơ thể như bị treo lơ lửng và tôi phải dùng tay nâng người. Trước tình thế đó, tôi liên tục phải nói với bà Deb để bà thông báo lại. Vì thế nhịp leo và kéo ăn khớp hơn, cảm giác dễ dàng hơn. Tuy nhiên, càng lên cao độ khó càng lớn, qua đoạn hõm nghiêng nên thang bị lật ra ngoài còn cơ thể tôi lại xoay lưng ép sát vào trong mặt tường. Lúc này đã thấm mệt, tôi phải cố hết sức mới lật được người ra lại phía ngoài.

Đến đoạn bức tường phồng cộm lên thì quả thực quá khó vì dây thang bị thắt bám chặt vào bề mặt thạch nhũ, không tài nào xỏ tay vào nắm nấc thang cũng như chân không đặt lên được. Sức gần kiệt, không biết còn lên bao xa nhưng quay xuống dường như là điều không thể. Luống cuống mất mấy giây, tôi trấn tĩnh lại nghĩ cách và cố dùng chân trái đưa thang ra ngoài tạo khoảng hở để đặt chân còn lại lên nấc tiếp theo, sau đó tiếp tục dùng 2 chân nới thang ra, tì một khuỷu tay vào mặt thạch nhũ làm đòn bẩy nới phần thang ở tay đang nắm, tạo khe hở luồng tay khác lên nấc thang. Cứ thế tôi nhích dần từng bước một. Vượt qua được đoạn này, phần còn lại dễ dàng hơn vì thang đã hở và độ dốc không đứng.

Lên tới đỉnh thứ nhất thì mừng khôn tả, tính ra tôi mất khoảng 10 phút nhưng ngỡ dài dằng dặc. Ngồi nghỉ, đợi các chuyên gia thu cuốn thang xong, chúng tôi đu dây thừng lên nốt đỉnh thạch nhũ còn lại và hoàn thành cửa ải này. Băng qua nhiều khối đá, thạch nhũ và dốc cao, có chỗ xương động vật bị khoáng vôi tích tụ dính chặt vào đá, nhóm chúng tôi ra khỏi cửa hang lúc 12 giờ trưa. Từ đó, leo dốc nhiều chỗ dựng đứng toàn đá tai mèo như bàn chông, qua nhiều khối tai mèo khác, qua khu vực hang Va - Nước Nứt, xuyên rừng rậm nguyên sinh thì chúng tôi ra đến đường Hồ Chí Minh, kết thúc hành trình chinh phục hang Sơn Đoòng với những trải nghiệm trên cả tuyệt vời mà có lẽ tôi không bao giờ quên được.

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời 8

Hang Sơn Đoòng, chuyến đi để đời 9


Trương Quang Nam - TTXT du lịch Quảng Bình

Mục lục

Du lịch Quảng Bình
   (1) Phong Nha Kẻ Bàng
              - Động Phong Nha
              - Động Tiên Sơn
              - Động Thiên Đường
              - Suối Nước Moọc
              - Sông Chày Hang Tối
              - Thung lũng Sinh Tồn hang Thủy Cung
              - Hang Én
              - Hang Sơn Đoòng
   (2) Mở rộng điểm du lịch
              - Hang Tú Làn
              - Bãi biển Nhật Lệ
              - Bãi Đá Nhảy