Trời vừa sáng, tôi đã có mặt ở đại bản doanh của đơn vị lữ hành Oxalis tại Phong Nha - Kẻ Bàng để chuẩn bị cho tour Rào Thương Hang Én, nghe hướng dẫn viên phổ biến thông tin, phát giày, mũ chuyên dụng leo núi, túi bảo hộ để đựng trang thiết bị. Cái gì nhẹ có thể tự mang như máy ảnh, điện thoại, còn lại cho vào túi riêng để các porter mang đến Hang Én. Trong lúc đó, bộ phận hậu cần đóng gùi hành lý, dụng cụ nấu nướng, lương thực cho chuyến đi.
Khi mọi thứ đã xong, xe của Oxalis chở đoàn trực chỉ hướng 20 Quyết Thắng, rồi rẽ theo đường Hồ Chí Minh nhánh Tây chạy khoảng 45 phút thì dừng xe. Đây là điểm bắt đầu hành trình đi bộ xuyên rừng đến với Hang Én, có nhà chờ tập kết. Một lần nữa, các hướng dẫn viên kiểm tra lại tư trang và kèm những lời dặn dò du khách.
Chuyến khám phá Hang Én khởi hành, cả đoàn xuất phát theo lối mòn nhỏ, hai bên cây cối rậm rạp. Chúng tôi nối nhau đổ dốc chừng vài chục phút lại lên dốc, lúc này những bước chân đã thấy thấm mệt. Tới một con dốc khá cao, người gọi dốc Bà Giằng, người nói Ba Giàn, đất thì chỗ trơn trượt, chỗ lại lởm chởm đá, phía dưới là vực, chưa kể chúng tôi phải đối mặt với thử thách không nhỏ khác là bầy vắt ngo ngoe chực chờ đeo bám. Lên hết dốc này rồi xuống dốc, mất khoảng 1 giờ đồng hồ thì bắt đầu men theo triền suối Rào Thương; đoạn này xuất hiện loài cây Nàng Hai, nếu không may dính vào sẽ bị ngứa ở bề mặt da kéo dài cả tuần lễ mà không cách gì chữa trị.
Đi hơn tiếng rưỡi đồng hồ, chúng tôi đến bản Đoòng của người dân tộc Vân Kiều sống biệt lập giữa rừng. Ngồi đây nghỉ ngơi, trò chuyện với dân bản một lúc, đoàn lại lên đường. Chúng tôi băng qua nhiều con suối, có đoạn sâu hơn đầu gối và nước chảy mạnh, để tới điểm dừng tiếp theo. Tại đây, sau khi ăn trưa và nghỉ ngơi, đoàn đi thêm 2 giờ nữa thì chạm cửa hang Én - hang lớn thứ 3 trên thế giới, và là nơi cư trú của hàng vạn con chim én.
Từ cách xa mấy trăm mét đã thấy một cửa hang trên cao được xem là cửa sổ của hang Én, chúng tôi đi vòng sang bên phải luồn lách qua mấy con suối sâu và vách đá để đến cửa vào Hang Én nằm thấp xuống phía dưới. Tại đây, đoàn tập trung lại, và đội mũ bảo hiểm, thử đèn để bắt đầu vào trong hang tối. Từ cửa hang, chúng tôi leo qua mấy hốc đá chừng 10 phút thì đến vòm hang rộng lớn, nơi chúng tôi đứng là mỏm đá ở lưng chừng hang, nhìn xuống nền hang phía dưới là bãi cát bằng phẳng, bên cạnh có suối xanh màu ngọc bích. Cửa sổ Hang Én trên cao chiếu ánh sáng xuống khu bãi cát, tạo nên một khung cảnh ngỡ ngàng, ai cũng vội lấy máy ảnh để ghi lại những hình ảnh độc đáo đó.
Chúng tôi bám tiếp theo các khối đá dẫn xuống phía dưới rồi lội qua suối, chỗ nước sâu được bắc cái cầu tạm. Bên kia suối là bãi cắm trại của Hang Én. Tại đây, các porter bắt đầu dựng lều ngủ và chuẩn bị bữa tối cho đoàn. Còn du khách ai muốn ngắm cảnh, chụp ảnh, dạo bãi cát hay tắm suối tùy thích; nước suối trong sạch và chảy êm đềm nên tha hồ bơi lội. Trước khi tắm, tôi không quên nằm dài trên cát, mắt nhìn trần hang cao vợi, thả hồn phiêu diêu.
Khi vệt sáng từ cửa sổ hang nhạt dần cũng là lúc chúng tôi bắt đầu dùng bữa tối, mọi người cùng ăn bên ánh đèn pin và lửa trại. Ngồi trò chuyện với các porter, hướng dẫn viên, chúng tôi được nghe thêm nhiều chuyện hay ho về Phong Nha - Kẻ Bàng. Qua những câu chuyện rôm rả, chúng tôi về lều nghỉ ngơi sau một ngày băng rừng lội suối. Cảm giác lần đầu ngủ lều trong hang Én kỳ vĩ rất đặc biệt và tôi chìm vào giấc nồng lúc nào không hay...
TTXT du lịch Quảng Bình