Với những tiềm năng du lịch tương đồng với vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), việc liên kết vùng giữa Long An và các địa phương sẽ tạo sức bật để du lịch vươn lên, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Vẻ đẹp, tiềm năng du lịch Long An nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung được ví như cô gái thôn quê mộc mạc, giản dị nhưng có duyên ngầm. Nét mộc mạc, đơn sơ nhưng tươi đẹp ấy là sông nước hữu tình với những khu vực sinh vật cảnh ngập nước, vườn quốc gia...
Nhiều địa phương - một điểm đến
Dù có vị trí đẹp, nhiều tiềm năng trong phát triển du lịch nhưng ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh vẫn chưa bứt phá suốt thời gian qua. Một trong những nguyên nhân khiến du lịch Long An còn “tĩnh lặng” là do việc liên kết vùng giữa Long An nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung thời gian qua còn lỏng lẻo. Kiểu “mạnh ai nấy làm” nên khai thác du lịch ở Long An, ĐBSCL chưa tương xứng tiềm năng, chưa bật lên nét đặc thù, đặc trưng riêng của mỗi vùng.
Nhận thấy sự cần thiết trong liên kết vùng để phát triển du lịch, năm 2011, Long An và TPHCM có chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2011-2016. Nội dung hợp tác chú trọng việc trao đổi thông tin về tình hình phát triển du lịch; hợp tác kêu gọi đầu tư; hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch và bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, qua báo cáo đánh giá, việc liên kết phát triển du lịch giữa 2 địa phương còn nhiều hạn chế do điều kiện du lịch Long An còn khó khăn, nhất là hạ tầng du lịch chưa đồng bộ. Liên kết chỉ dừng lại ở việc TPHCM giới thiệu một số doanh nghiệp du lịch đến đầu tư ở Long An như: Khu du lịch Happy Land; Khu văn hóa đa năng Làng nổi Tân Lập, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, Đồn Rạch Cát...
Khởi sắc hơn trong việc liên kết vùng phát triển du lịch là chương trình liên kết phát triển du lịch cụm phía Đông vùng ĐBSCL giữa các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh và Đồng Tháp được thực hiện năm 2015. Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở du lịch Long An - Lê Phú Dũng thông tin: “Qua liên kết, 6 tháng đầu năm 2016, lượng khách đến Long An nói riêng và cụm nói chung đều tăng. Riêng Long An, lượng khách đến tăng 12% so với cùng kỳ, với con số 460.000 lượt khách; trong đó, khách quốc tế là 6.000 lượt người. Doanh thu từ du lịch của Long An là 210 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ”. Trong quá trình liên kết, các tỉnh thuộc cụm phía Đông vùng ĐBSCL chú trọng nghiên cứu các sản phẩm đặc thù của địa phương cũng như chất lượng, hiệu quả các dịch vụ du lịch tại các điểm đến. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch được quan tâm thực hiện thông qua nhiều hình thức giữa một số tỉnh trong cụm như tham dự, tham gia các gian hàng triển lãm trong Ngày hội Du lịch TPHCM; Hội chợ Du lịch quốc tế Đà Nẵng, Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ... Tất cả hoạt động liên kết giữa các tỉnh phía Đông trong phát triển du lịch đều hướng đến mục tiêu “Sáu địa phương - một điểm đến”.
Ngoài ra, theo ông Lê Phú Dũng, trong thời gian gần nhất, du lịch Long An cùng 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và Hà Nội sẽ ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2016-2020 nhằm phát triển thị trường khách du lịch nội địa và quốc tế, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch và xây dựng các tour, tuyến du lịch liên vùng hoàn chỉnh, hấp dẫn... đáp ứng nhu cầu du khách. Nội dung hợp tác sẽ là hỗ trợ công tác quản lý nhà nước về du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến du lịch và phối hợp hỗ trợ khách du lịch với tinh thần “Mười bốn tỉnh, thành phố - Một điểm đến”.
Liên kết phát triển sản phẩm du lịch
Cùng với các chương trình hợp tác phát triển du lịch được ký kết, thực hiện, năm 2015, Đề án “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt, cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ tăng trưởng du lịch tại Long An nhằm góp phần tích cực vào phát triển KT-XH của địa phương. Ông Lê Phú Dũng cho biết: “Ngoài mục tiêu, tổng quan về tình hình phát triển các sản phẩm du lịch của Long An, lộ trình phát triển hệ thống sản phẩm du lịch... đề án còn có những giải pháp nhằm đầu tư, xây dựng, phát triển du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch đặc thù”.
Trong các giải pháp của đề án, giải pháp về liên kết để phát triển sản phẩm du lịch là một trong những động lực để ngành du lịch Long An “cất cánh”. Theo đó, các mối liên kết giữa các địa phương trong cùng một địa bàn trọng điểm du lịch của tỉnh được khuyến khích. Trong liên kết vùng, ưu tiên xem xét liên kết các vùng du lịch trọng điểm như liên kết địa bàn Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với Vườn Quốc gia Tràm Chim của tỉnh Đồng Tháp; địa bàn Tân An và phụ cận với TPHCM; địa bàn xã Tân Lập, Cửa khẩu Bình Hiệp với tỉnh Svay Rieng Campuchia; địa bàn huyện Đức Hòa và phụ cận với núi Bà Đen, tỉnh Tây Ninh và huyện Củ Chi, TPHCM. Từ đó, tạo ra các chương trình du lịch có tính liên vùng để khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, tài nguyên du lịch đặc sắc của Long An.
Cũng theo đề án, Long An cần hợp tác với TPHCM, đặc biệt là Bến Bạch Đằng và các đơn vị vận chuyển tàu biển hay các công ty du thuyền đang khai thác các tuyến từ TPHCM - vùng ĐBSCL để mở các tuyến tàu khách, du thuyền tới Long An. “Đây chính là những tiềm năng cần đầu tư để phát triển sản phẩm du lịch Long An theo tuyến đường sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.
Ngoài ra, Long An hợp tác với tỉnh Đồng Tháp trong phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng ĐBSCL để tìm hiểu và trải nghiệm các giá trị đa dạng sinh học vùng sinh cảnh ngập nước nội địa trên cơ sở liên kết tuyến tìm hiểu vùng trũng Đồng Tháp Mười với Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, trải nghiệm cảnh quan và cuộc sống người dân trong mùa nước nổi ở vùng trũng Đồng Tháp Mười gắn kết giữa Long An - Đồng Tháp” - ông Lê Phú Dũng thông tin thêm.
Cùng với việc liên kết về quản lý nhà nước, liên kết quy hoạch và xúc tiến đầu tư mạng lưới hạ tầng, việc liên kết vùng để phát triển sản phẩm du lịch sẽ tạo bước chuyển, là động lực để du lịch Long An trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước thời gian tới.
TTXT du lịch Long An