Sự đa dạng, đặc sắc di sản văn hóa của du lịch Lạng Sơn là hội tụ văn hóa của các tộc người... Trong những năm qua, các loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã từng bước được nhận diện, bảo tồn và phát huy.
Đa dạng văn hóa vùng miền
Ngành văn hóa du lịch Lạng Sơn hiện có 586 di tích, trong đó có 247 di tích lịch sử cách mạng; 44 di tích khảo cổ; 250 di tích kiến trúc nghệ thuật... Cùng với di sản vật thể, Xứ Lạng còn là một vùng đất chứa đựng nhiều vốn văn hóa phi vật thể vô cùng độc đáo, mang sắc thái riêng của 7 dân tộc anh em với trên 300 lễ hội truyền thống.
Nét đặc trưng của du lịch Lạng Sơn còn chứa đựng vốn văn hóa dân gian đang tiềm ẩn, lưu truyền trong nhân dân. Chỉ tính riêng dòng dân ca, dân vũ và nhạc truyền thống của các tộc người đã có rất nhiều thể loại như: hát then, lượn, quan lang, phong slư của người Tày, hát sli, cỏ lẩu của người Nùng hay múa khèn, hát giao duyên của người Mông... Ngoài ra, các câu chuyện kể, hát ru, câu đố, tục ngữ, truyện thơ và lượn sử: Sự tích Thạch Sùng, Vua Nghiêu - Vua Thuấn, lượn Sơn Bá - Anh Đài... đã khắc họa nét văn hóa độc đáo của người dân Xứ Lạng.
Bên cạnh hệ thống nhà cổ, đình, đền, chùa có giá trị kiến trúc nghệ thuật là những làng nghề thủ công truyền thống nổi tiếng như: làng cao khô Vạn Linh (Chi Lăng), làng nón lá Yên Vượng (Hữu Lũng), làng ngói âm dương Quỳnh Sơn (Bắc Sơn), nghề làm men nấu rượu xã Công Sơn, Mẫu Sơn (Cao Lộc)... Sự đa dạng văn hóa vùng miền đã thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người Lạng Sơn từ xa xưa vẫn được gìn giữ đến ngày nay.
Giữ gìn và phát huy vốn quý
Trong những năm qua, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn tỉnh luôn xác định xây dựng đời sống văn hóa cơ sở và tăng cường công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc là nhiệm vụ quan trọng. Hàng loạt di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng đã được công nhận, tu bổ, tôn tạo; rất nhiều cổ vật, di vật đã được sưu tầm, bảo quản, trưng bày... Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có 5 di tích được lập hồ sơ xếp hạng di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp tỉnh (tổng số 28 di tích quốc gia, 94 di tích cấp tỉnh) và 1 hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia đặc biệt (bia Thủy Môn Đình); hơn 3.400 tài liệu, hiện vật được sưu tầm, lưu giữ...
Đặc biệt, tỉnh ta đã dành kinh phí tu bổ thường xuyên, chống xuống cấp các di tích, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số phong tục, tập quán và lễ hội. Từ năm 2011 đến nay, ngành văn hóa du lịch Lạng Sơn đã phục dựng được 5 lễ hội với tổng kinh phí 600 triệu đồng, bao gồm: lễ hội Ná Nhèm (xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn); lễ hội Háng Ví (xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng); lễ hội Nàng Hai (xã Chí Minh, huyện Tràng Định); lễ hội Đình Làng Mỏ (xã Quang Lang, huyện Chi Lăng) và lễ mừng sinh nhật (chúc thọ) của người Nùng (huyện Chi Lăng).
Đi đôi với phục dựng là việc khảo sát, kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa. Ông Sầm Cảnh Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích tỉnh cho biết: “Từ 2011 đến nay, tỉnh và ngành du lịch Lạng Sơn đã tiến hành khảo sát, kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đối với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn với 3.273 phiếu. Qua đó đã đánh giá được thực trạng, giá trị của các di sản, tạo tiền đề cho công tác quy hoạch tổng thể, bảo tồn và tôn tạo đối với từng loại hình di sản. Đồng thời sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước và đóng góp của nhân dân”.
Cùng với đó, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi cho công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc. Những thành tựu đạt được đã khẳng định tính đúng đắn trong đường lối phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước, của toàn dân trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa để xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Nguyễn Phúc Hà, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Thời gian tới, ngành VHTTDL sẽ tiếp tục nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch Lạng Sơn, tạo nhiều sản phẩm đặc trưng, thu hút khách tham quan. Đồng thời lựa chọn các loại hình di sản văn hóa tiêu biểu để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
TTXT du lịch Lạng Sơn