Để phát huy những tiềm năng và lợi thế, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Kiên Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời chỉ đạo các ngành, các địa phương tích cực thu hút đầu tư, củng cố hạ tầng, tập trung phát triển các loại hình sản phẩm du lịch để thu hút du khách. Đến nay, nhiều chương trình, dự án đầu tư phát triển du lịch của tỉnh đang được triển khai và đẩy nhanh tiến độ, mở ra hướng phát triển mới cho “ngành công nghiệp không khói” của tỉnh nhà.
Những ai đã có kinh nghiệm du lịch Kiên Giang đều nhận định rằng, nơi đây có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, với hầu hết các loại địa hình như rừng, núi, đồng bằng, sông, suối, biển, đảo; với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa, bãi biển đẹp, hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú, nhiều rạn san hô, thảm cỏ biển và các loài động, thực vật quý hiếm... Là tỉnh có đường biên giới đất liền với Campuchia dài 56,8 km và có các cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển, đường hàng không, là cầu nối của các tỉnh miền Tây Nam Bộ với bên ngoài để mở rộng giao lưu, hợp tác kinh tế, thương mại, du lịch, văn hóa... với các nước trong khu vực. Tất cả điều kiện này hội tụ đã tạo nên một Kiên Giang đầy tiềm năng và tràn đầy sức sống, hấp dẫn doanh nghiệp, nhà đầu tư và du khách.
Để khai thác có hiệu quả, xứng tầm với những lợi thế có được, trong những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiến hành quy hoạch và kêu gọi đầu tư phát triển các dự án dịch vụ - du lịch, có trọng tâm, trọng điểm, tạo sự phát triển nhanh về kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Đặc biệt, trong năm 2016, Kiên Giang vinh dự đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2016 - Phú Quốc - Đồng bằng sông Cửu Long là điều kiện thuận lợi giúp địa phương nâng cấp, làm mới một số hạng mục hạ tầng, tạo dựng được hình ảnh và quảng bá cho du lịch địa phương; thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, tác động tích cực đến việc thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, hạ tầng du lịch của tỉnh. Có thể nói, năm qua được xem là năm đột phá trong công tác đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật cho phát triển du lịch Kiên Giang.
Nhiều hạng mục công trình giao thông trọng điểm, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu vui chơi giải trí... được triển khai và đưa vào hoạt động kịp thời phục vụ cho Năm Du lịch quốc gia 2016. Các cơ sở dịch vụ được chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ. Các công ty du lịch ở Kiên Giang, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã mạnh dạn, chủ động và tích cực đầu tư bài bản, quy mô, góp phần xây dựng nên các điểm du lịch Kiên Giang mới có chất lượng tầm cỡ khu vực và quốc tế. Đến nay, Kiên Giang đã mời gọi được hơn 270 dự án đầu tư du lịch đang còn hiệu lực, với tổng diện tích 7.561 ha, vốn đầu tư khoảng 232 ngàn tỷ đồng. Riêng huyện đảo Phú Quốc đã có tới 179 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với diện tích 4.271 ha, vốn đầu tư đăng ký hơn 131 ngàn tỷ đồng. Trong đó có 92 dự án được cấp chủ trương đầu tư và đang triển khai các thủ tục đầu tư theo quy định. Đáng kể là, với việc tham gia đầu tư của nhiều nhà đầu tư lớn như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group, Mường Thanh Group... việc tiếp tục xây dựng thêm các cơ sở lưu trú cao cấp, khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng quy mô lớn phục vụ du khách đang góp phần phát triển nhanh du lịch Phú Quốc nói riêng và ngành du lịch Kiên Giang nói chung.
Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, tạo động lực cho du lịch Kiên Giang phát triển, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, huy động các nguồn lực, chủ động kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào các dự án lớn đã quy hoạch, đó là: Khu di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng Hòn Đất - Hòn Me - Hòn Quéo thuộc xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất, với quy mô 640 ha; hiện đã được đầu tư hệ thống điện, nước và giao thông đồng bộ, kết nối với Quốc lộ 80; trong đó đã hoàn thiện các con đường đến khu di tích chị Sứ, Hòn Quéo và đường quanh Hòn Me.
Khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh núi Bình San thuộc phường Bình San, thị xã Hà Tiên - là một trong “Thập cảnh” nằm gần mũi Nai, tiếp giáp với biển và núi Bình San thơ mộng đã được kết nối với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ xung quanh. Khu du lịch Tà Lu - Mũi Nai thuộc phường Pháo Đài, sở hữu bãi tắm Mũi Nai nổi tiếng của du lịch Kiên Giang - Hà Tiên và hệ thống hạ tầng kỹ thuật giao thông hoàn chỉnh. Khu du lịch nghỉ dưỡng, mạo hiểm, khám phá Quần đảo Hải Tặc thuộc xã đảo Tiên Hải, thị xã Hà Tiên, với quy mô 10 ha - đây là quần đảo có nhiều huyền thoại như tên gọi của nó và sở hữu nhiều bãi tắm hoang sơ tuyệt đẹp, cách trung tâm thị xã khoảng 30 km. Cảng Bãi Nò, với quy mô 78 ha - dự án sở hữu vị trí thuận tiện đường thủy lẫn đường bộ nằm ngay cửa biển đầm Đông Hồ, tiếp giáp thị xã Hà Tiên và nhiều khu du lịch lân cận.
Khu du lịch Quần đảo Bà Lụa, xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, với quy mô 100 ha, được du khách mệnh danh là “Hạ Long phương Nam” khi sở hữu hàng chục hòn đảo lớn, nhỏ và cách thị trấn Kiên Lương khoảng 15 km đi về hướng Hòn Phụ Tử nổi tiếng nằm trong khu vực này.
Dự án Trung tâm Thương mại Dương Đông, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc, với quy mô 83 ha; hiện nay thị trấn Dương Đông là trung tâm hành chính và thương mại lớn nhất của Phú Quốc sắp trở thành thành phố biển đảo du lịch đầu tiên của cả nước. Dự án Trung tâm huấn luyện Thể dục Thể thao quốc tế - trường đua, xã Dương Tơ, huyện đảo Phú Quốc, với quy mô 169 ha - đây là dự án thể thao - du lịch có quy mô lớn đầu tiên của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm đủ khả năng phục vụ các giải thi đấu quốc tế và du khách trong và ngoài nước.
Dự án Công viên Văn hóa An Hòa, phường An Bình, thành phố Rạch Giá, với quy mô 39 ha nằm trong công viên hiện hữu do chính quyền quản lý và nằm ngay cửa ngõ chính (gần cầu Rạch Sỏi) vào trung tâm thành phố Rạch Giá.
Nhằm đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào các dự án, địa điểm du lịch Kiên Giang, tạo môi trường đầu tư kinh doanh du lịch thuận lợi, thông thoáng; UBND tỉnh đã xây dựng chính sách hỗ trợ, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu và tiến hành các thủ tục nhanh gọn; tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án cũng như quá trình hoạt động một cách kịp thời và hiệu quả. Đặc biệt, Kiên Giang áp dụng các chính sách ưu đãi về đất đai ở mức cao nhất theo quy định hiện hành như: miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước; ưu đãi thuế suất và thời gian áp dụng; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi có thu nhập chịu thuế và những chính sách ưu đãi khác. Với vị trí địa lý khá thuận lợi và giàu tiềm năng về tài nguyên du lịch, cùng với những chính sách phát triển phù hợp và đồng bộ, sẽ tạo nên một động lực mới để ngành du lịch Kiên Giang có sự bứt phá vươn lên như kỳ vọng và đạt mục tiêu đã đề ra.
TTXT du lịch Kiên Giang