Quần đảo Thổ Chu (Kiên Giang) nằm ở cực Tây Nam của Tổ Quốc với 8 đảo hòn lớn nhỏ. Trong số này, hòn Nhạn là một đảo nhỏ có diện tích khoảng 2.000 m² với điểm cao nhất đạt độ cao 40 m so với mực nước biển. Đây chính là điểm A1 trên đường cơ sở xác định lãnh hải của Việt Nam.
Từ đảo Thổ Chu, du khách thuê ghe thuyền ra hòn Nhạn. Mất chừng 1 giờ đồng hồ đi vào mùa biển êm và khoảng gần 2 giờ vào mùa biển động.
Hòn Nhạn được cấu thành chủ yếu bằng đá. Trên đảo hầu như không có cây lớn sinh sống chỉ toàn cây bụi nhỏ. Cả ngày đảo đón cái nắng gay gắt của mặt trời rồi biến thành một lò nung hầm hập, nhưng chính vì vậy mà trở thành nơi có điều kiện thuận lợi cho chim nhạn kéo về làm tổ. Đó cũng là lý do do đảo có tên hòn Nhạn.
Cứ vào tầm tháng 6 âm lịch là chim nhạn từ bốn phương lại bay về hòn Nhạn của Quần đảo Thổ Chu sinh sôi nảy nở. Chim bay rợp cá một góc trời có đến hàng vạn con.
Vì loài nhạn không biết ấp trứng, chim thường đẻ trứng trên mặt đá và nhờ đá hấp thụ sức nóng của mặt trời để giúp trứng nở.
Sau khi đẻ trứng, chim nhạn sẽ canh chừng 1 tháng đợi trứng nở thì bắt đầu kiếm mồi cho chim non. Hình ảnh những chú chim nhạn xếp thành hàng hướng mặt ra biển hết sức thú vị. Du khách khi tham quan hòn Nhạn của Quần đảo Thổ Chu cần cẩn thận vì có thể sơ ý đạp phải trứng chim do có quá nhiều.
Hòn Nhạn cũng là “nghĩa trang” chim nhạn giữa biển khơi. Thường các chim già sau khi đẻ trứng và nhịn đói để canh trứng sẽ kiệt sức và chết tại đây.
Chim nhạn ở Quần đảo Thổ Chu thường có 2 loại: nhạn trắng và nhạn đen. Chim nhạn đen chiếm phần lớn, ở các phiến đá nhô ra biển, chim thường đậu kín, phân chim trắng cả khối đá.
Hình ảnh những chú nhạn trắng muốt tung cánh săn mồi trên biển hay đứng thong dong nghỉ ngơi làm cho bức tranh thiên nhiên Quần đảo Thổ Chu thêm phần sống động.
TTXT du lịch Kiên Giang