Thuộc Quần đảo Bà Lụa (Kiên Giang), Hòn Đầm Đước (Hòn Đước) là điểm đến lý tưởng với du khách, nhất là cuối tuần. Đến đây mà không nghỉ lại qua đêm thì thật thiếu sót, xem như chỉ mới khám phá phần nổi của hòn đảo xinh đẹp này...
Từ Ba Hòn hoặc cảng Hòn Chông (huyện Kiên Lương), mất khoảng 1,5-2 giờ đi tàu gỗ là ra tới Hòn Đước của Quần đảo Bà Lụa. Nếu đi bằng tàu cao tốc, thời gian khoảng 1 giờ. Trên đường đi, du khách nhìn thấy rất nhiều đảo nhỏ, cây xanh mượt bao phủ những khối đá kỳ dị. Có những đảo vô cùng hoang sơ, không có người ở. Thời gian ngồi tàu khá lâu nhưng không ai cảm thấy nhàm chán bởi cảnh quan xung quanh luôn thay đổi. Các đảo cứ tiếp nối nhau, nhấp nhô trên biển. Nhiều người ví von Quần đảo Bà Lụa như một “Hạ Long ở phương Nam”.
Từ xa, Hòn Đước xanh rì nổi lên giữa biển mênh mông. Tàu đến gần, đón bước du khách là bãi sỏi bao bọc phía Đông đảo. Sỏi muôn hình vạn trạng, đủ màu sắc chất chồng nhau, tràn xuống mặt biển trong xanh, mát mắt. Càng sát mặt nước, sỏi càng to. Người ta còn gọi đó là đá trứng vì có hình dáng bầu dục như những quả trứng. Mang kính lặn, du khách sẽ thấy đá trứng nối nhau trải dài dưới đáy biển. Có rất nhiều loài hải sản sinh sống ở đây. Khu vực này là bãi cạn nên không có tàu bè hoạt động. Hệ sinh thái được giữ nguyên vẹn. Chỉ cần lật một hòn đá trứng lên, du khách sẽ thấy bên dưới đầy những con ốc, sò bám vào đó. Len lỏi trong những hốc đá là những con hải sâm. Nhiều nhất là nhím biển (cầu gai). Chúng tụ lại thành bầy cả chục con, di chuyển chậm chạp trên những hòn đá trứng. Ngoài ra, còn có rất nhiều loài cá bơi lượn trong bãi cạn.
Hòn Đước của Quần đảo Bà Lụa vẫn còn giữ được nét duyên bởi sự hoang sơ, mộc mạc. Mọi thứ ở đây đều tự nhiên vốn có. Những gốc cây me, cây bàng hàng chục năm vẫn vững chãi hiên ngang trước biển. Nhiều nhất vẫn là cây đước. Thông thường, đước chỉ sống ở khu vực bãi bồi ven biển. Thế nhưng, trên đảo đá này, đước mọc rất nhiều khắp nơi. Chủ đảo còn trồng thêm đước, mở rộng diện tích rừng và nuôi hải sản dưới tán cây đước để phát triển kinh tế. Có lẽ vì vậy người dân quen gọi hòn đảo này là Hòn Đước.
Nếu không ngủ đêm ở Hòn Đước là chưa khám phá trọn vẹn nét đẹp và sự hấp dẫn nơi đây. Càng về khuya, Hòn Đước càng quyến rũ. Khoảng 11 giờ đêm, chủ đảo tắt máy đèn. Trăng sáng vằng vặc tạo nét lung linh huyền ảo. Nhìn ra xa, những vệt sáng từ ánh trăng chiếu trên mặt biển bàng bạc. Những chiếc tàu lướt nhẹ trên mặt biển về đêm như hư như thật, tạo cảm giác liêu trai. Thi thoảng, những cơn gió lùa qua, mang hơi muối phả vào mặt ran rát vì cả ngày ngâm mình trong nước biển và phơi người dưới ánh mặt trời.
Ngủ trên đảo, phải ngủ lều hoặc ngủ võng mới thú vị. Sóng xô nhẹ vào bờ như một bản nhạc du dương. Du khách cảm thấy thiên nhiên sát bên mình. Tưởng chừng với tay là chạm mặt biển, chạm vào ánh sáng lung linh của ánh trăng. Đêm nhẹ nhàng đưa du khách vào giấc ngủ êm đềm, không mộng mị.
Chừng khoảng 5 giờ sáng, du khách được đánh thức bởi âm thanh phát ra từ những ghe máy đánh cá đang đi ngang qua đảo để vào bờ. Lúc này, bình minh nhuốm một màu hồng tím ở phía đông Quần đảo Bà Lụa. Trong chốc lát, ánh sáng ấy chuyển sang đỏ hồng rồi sáng rực khi mặt trời nhô lên. Dường như chẳng mấy ai bỏ qua cơ hội ngắm biển thanh bình lúc sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên nhô lên từ mặt biển xa xa. Mặt trời lên nhanh đến mức du khách chỉ có thể chụp được vài kiểu hình ở một vài vị trí nhất định. Và khi ban mai ngự trị cũng là lúc mặt biển có sức hút lạ kỳ, “buộc” du khách phải trầm mình cùng làn nước.
Tắm biển buổi sáng cũng thật thú vị. Cả ngày hôm trước, biển hấp thụ ánh nắng mặt trời giờ tỏa nhiệt sưởi ấm bầu nước mênh mang. Và những con hải sâm, sò, ốc, nhím biển lại “kéo” du khách phải ở dưới nước lâu hơn. Để rồi sau một lúc ngụp lặn, du khách đã có trong tay một rổ to đầy hải sản cho bữa ăn “thịnh soạn”... Hòn Đước của Quần đảo Bà Lụa hấp dẫn là vậy, nên cuối tuần đón nhiều du khách ra đảo để hòa mình với thiên nhiên.
TTXT du lịch Kiên Giang