Chúng tôi trở lại Thung Nai (Cao Phong) vào một sáng cuối tuần tháng 3. Thung Nai nằm trên tuyến đường tỉnh 438 (Bình Thanh - Thung Nai), cách thành phố Hòa Bình 25 km. Trời se lạnh, đường quanh co, núi đồi uốn lượn, thấp thoáng những bến nước trong xanh, sương vương mặt hồ đem lại cảm giác thật dễ chịu, thanh bình. Du khách thập phương tập kết tại bến nước, chuẩn bị cho chuyến du lịch Thung Nai, thưởng ngoạn lòng hồ.
Bắt tay tôi đầm ấm tại bến nước du lịch Thung Nai, Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Luyến chia sẻ: Tiềm năng du lịch Thung Nai đang được đánh thức, hoạt động du lịch, dịch vụ đã tạo thêm nhiều việc làm và mang lại thu nhập khá, giảm bớt khó khăn cho người dân. Thung Nai đẹp, bình yên nhưng vẫn còn là vùng quê nghèo.
Xã vùng hồ của Cao Phong có 6 xóm đều tiếp giáp hồ Thủy điện Hòa Bình. Tổng diện tích tự nhiên toàn xã trên 3.500 ha, trong đó, 1/3 diện tích là núi đá. Diện tích đất gieo trồng hàng năm chỉ khoảng 346 ha. Là xã vùng 135 của Cao Phong, mấy năm nay, Thung Nai được sự đầu tư của nhiều chương trình như: 135, dự án ổn định dân cư phát triển KT - XH vùng hồ, Dự án Pisard... đã giúp người dân cải thiện cuộc sống và phát triển sản xuất. Hạ tầng trường học, trạm y tế, bưu điện, đường giao thông được đầu tư một bước. Đường giao thông, bến cảng du lịch Thung Nai cũng được đầu tư và phát huy hiệu quả cao thúc đẩy ngành dịch vụ của toàn xã. Thung Nai đã định hình được hướng phát triển là kinh tế nông - lâm nghiệp và thủy sản, dịch vụ.
Về thủy sản, khai thác lợi thế mặt nước vùng hồ, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi, đánh bắt thủy sản. Ông Bùi Ngọc Khánh ở xóm Mới, đầu tư nuôi 4 lồng cá, hàng năm cũng thu về vài chục triệu đồng. Ông Khánh cho biết: Cả xã có 17 hộ nuôi cá lồng tập trung ở xóm Tiện, Mới, Nai với 33 lồng cá. Cùng với đó là khai thác đánh bắt cá tự nhiên trên hồ cũng đem lại thu nhập đáng kể cho người dân. Về du lịch, cả xã có 87 hộ kinh doanh dịch vụ, trong đó 32 hộ đầu tư thuyền vận chuyển khách du lịch Thung Nai. Một số tư nhân đầu tư cơ sở vật chất, hình thành các điểm du lịch có tiếng như đảo Dê, đảo Dừa... Các món ăn bình dị làng quê như cá nướng, cá phơi khô lòng hồ, măng khô, thịt bò hun khói, rau đồ, các loại nông sản, hoa quả vùng cao giờ đã thành nét ẩm thực hấp dẫn khách du lịch Thung Nai, đem lại nguồn thu không nhỏ và giải quyết việc làm cho bà con. Đối với sản xuất nông - lâm nghiệp, mấy năm nay, xã Thung Nai đã chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi và đều hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Thung Nai đã mạnh dạn đưa một số cây có giá trị cao như cam, bưởi, chanh vào thử nghiệm, duy trì ổn định diện tích mía, các loại cây màu cùng với phát triển nuôi gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Thị Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Thung Nai, sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn chưa có chuyển biến mạnh và còn nhiều khó khăn. Xã ít đất sản xuất lúa, màu, dù năng suất lúa, ngô khá cao nhưng sản lượng không nhiều vì diện tích ít. Lòng hồ tích nước một số xóm như Mu, Đoàn Kết, Tiện cơ bản nằm trong tình trạng bán ngập, ít có điều kiện canh tác. Xóm Đoàn kết có 40 ha đất sản xuất thì có 11 ha bị bán ngập. Trước có thể sản xuất vào mùa nước, giờ không thể sản xuất. Nếu không có lĩnh vực dịch vụ phục vụ khách du lịch Thung Nai, cuộc sống người dân sẽ rất khó khăn. Đến nay, cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp chiếm tới 75%, du lịch 25%, TTCN 5%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 51,88%, thu nhập bình quân mới đạt 9, 7 triệu đồng/người/năm. Người dân ở nhiều xóm phải đi làm ăn nơi khác. Dân nghèo, sản xuất chưa phát triển mạnh, hạ tầng thiếu thốn, xã mới đạt 4 tiêu chí NTM, thấp nhất huyện.
Phó Chủ tịch UBND xã Bùi Thị Luyến chia sẻ: Nếu được hỗ trợ, Thung Nai chắc sẽ không còn cảnh ở tốp cuối về KT - XH. Xã còn có những khu đất bằng phẳng rộng hơn 100 ha tại thung Chung - thung Mọng nhưng không trồng được vì thiếu nước. Xã mong muốn được hỗ trợ đầu tư công trình thủy lợi để có thể khai thác quỹ đất hiếm hoi này. Hạ tầng các xóm, nhất là đường giao thông còn gập ghềnh, đi lại khó khăn ảnh hưởng tới giao lưu vận chuyển nông sản hàng hóa của bà con.
TTXT du lịch Hòa Bình