Quảng bá hình ảnh du lịch thông qua các sản phẩm quà tặng, đồ lưu niệm địa phương từ lâu nay đã khẳng định được vai trò quan trọng tạo nên những sắc thái du lịch riêng biệt và thành công ở nhiều điểm du lịch Hòa Bình. Nhận thức được tầm quan trọng này, cơ quan chuyên môn đã tham mưu xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu của các dân tộc cũng như của tỉnh, trước mắt phục vụ Lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 năm tái lập tỉnh diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Các sản phẩm, quà tặng, ấn phẩm lưu niệm không thể thiếu được tại các điểm du lịch Hòa Bình vừa mang lại những trải nghiệm cho điểm đến và hơn hết góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh đẹp về vùng đất con người Hòa Bình đến với bạn bè, du khách. Nhiều cá nhân, tổ chức đều có ý thức làm, sản xuất các sản phẩm du lịch đặc trưng để bán và giới thiệu với khách du lịch Hòa Bình. Cửa hàng lưu niệm Nhà máy Thủy điện Hòa Bình có lượng sản phẩm hàng hóa khá đa dạng và gây ấn tượng đối với du khách. Điểm này trưng bày nhiều loại hàng thổ cẩm màu sắc, hoa văn, mẫu mã đẹp như túi ví, sắc đeo, quần áo các loại, hàng hóa làm bằng thổ cẩm cùng các sản phẩm gia dụng, ảnh... Điểm du lịch bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu) nhà nào làm du lịch cũng trưng bày các sản phẩm như trang phục dân tộc Thái, Mông, gối, tranh thuê, nỏ dao, mõ, chuông gió bằng tre nứa, sáo khèn, nơm cá, thớt, các loại vòng trang sức... gắn liền với sinh hoạt và đời sống người dân tộc. Điểm du lịch suối khoáng Kim Bôi cũng có mặt hàng phong phú, đa dạng các loại nông sản của bà con như cơm lam, cá suối, măng khố, các loại quần giáo, trang phục dụng cụ sinh hoạt của người Mường Động cũng mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách...
Theo ông Đỗ Lê Phương, Phòng Nghiệp vụ du lịch, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hòa Bình : Thực tế phần lớn các sản phẩm là hàng nhập chất liệu, ít có sự đầu tư bài bản và chưa dung hòa được giữa sắc thái riêng biệt độc đáo của văn hóa các dân tộc nói riêng và văn hóa Hòa Bình nói chung. Gầy đây, một số tổ chức, cá nhân nhận thức được tầm quan trọng và có những cách làm khá độc đáo, hiệu quả, xây dựng sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch. HTX dệt thổ cẩm Vọng Ngàn - xã Mãn Đức (Tân Lạc) có sự đầu tư làm các sản phẩm của địa phương nhưng gối, cạp váy, các loại váy, túi, khăn của người Mường... Đặc biệt đã chọn lựa, duy trì 6 nghệ nhân giới thiệu các sản phẩm tại làng văn hóa du lịch Đồng Mô - Sơn Tây góp phần quảng bá văn hóa ngành nghề truyền thống đặc sắc của người Mường với khách du lịch Hòa Bình. HTX Chiềng Châu duy trì công nhân làm các sản phẩm gối đệm, túi, các loại con thú... bằng các chất liệu truyền thống của địa phương, thường xuyên tham gia các hội thi vừa phát triển ngành nghề truyền thống vừa quảng bá sản phẩm du lịch văn hóa Thái. HTX dệt thổ cẩm bản Văn, thị trấn Mai Châu có hướng đi riêng và bước đầu đem lại hiệu quả khi xây dựng “bảo tàng” nhà sàn của người Thái tập hợp các sản phẩm sinh hoạt đời thường làm bằng thủ công, tạo sự cuốn hút cho du khách tìm hiểu, thưởng thức văn hóa tinh tế mà dung dị, thân thiện của người địa phương.
Ngoài ra các bảo tàng văn hóa dân gian cũng là nơi quảng bá rất tốt cho hình ảnh du lịch Hòa Bình thông qua các sản phẩm du lịch... Hiện nay, ngành chức năng đã nhận thức được tầm quan trọng quảng bá hình ảnh Hòa Bình thông qua các sản phẩm lưu niệm. Sở VH-TT&DL đã phát động và đang triển khai cuộc thi sáng tác mẫu sản phẩm, quà tặng, ấn phẩm lưu niệm du lịch Hòa Bình năm 2016, thiết thực hưởng ứng lễ kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh, 25 tái lập tỉnh và lễ hội Chiêng Mường lần thứ II năm 2016. Mục đích nhằm phát huy tinh thần sáng tạo của tổ chức, cá nhân, nghệ nhân nhằm tìm kiếm, phát hiện sáng tác những mẫu sản phẩm quà tặng, ấn phẩm lưu niệm, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch địa phương, thu hút du khách đến với Hòa Bình, khuyến khích phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, sử dụng có hiệu quả nguồn nguyên liệu thân thiện và tạo việc làm cho người dân địa phương.
Ông Đỗ Lê Phương cho biết: Trên cơ sở điều tra sơ bộ, để thực hiện cuộc thi này, Sở du lịch Hòa Bình đã có gợi ý một số sản phẩm đặc thù để cho các tổ chức, cá nhân đầu tư sáng tác. Chẳng hạn như: Tượng Bác Hồ trên công trình thủy điện Hòa Bình bằng chất liệu gỗ, thạch cao, thủy tinh, da; tượng đài anh hùng Cù Chính Lan; núi Cột Cờ - biểu tượng thiên nhiên, văn hóa Tân Lạc; con rùa gắn với truyền thuyết dạy người Mường làm nhà bằng các chất liệu lọ đựng bút, tăm, tàn gạt thuốc...; các cô gái, chàng trai người Mường, Thái đánh chiêng múa hát bằng chất liệu gỗ, đá thạch cao; mô hình nhà, sản phẩm khèn sáo, nỏ, chuống gió, coọng nước, cối giã gạo bằng tre, trúc, gỗ, nứa; đồ gốm, đồ sứ, thổ cẩm thân thiện với thiên nhiên gắn bó với cuộc sống sinh hoạt của người dân tộc Mường, Thái... Theo cơ quan quản lý, để tạo được hiệu quả của công tác quảng bá hình ảnh cho các điểm du lịch cũng như hình ảnh của Hòa Bình trước hết cần phải có nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác này, dành nguồn lực đầu tư thỏa đáng và nghiêm túc xây dựng các sản phẩm du lịch lưu niệm trên cơ sở huy động các nhà khoa học, cơ quan quản lý, các địa phương nghiên cứu xây dựng các sản phẩm lưu niệm đặc sắc, phù hợp đa dạng, có thương hiệu, sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hóa, thân thiện với môi trường; đưa du lịch Hòa Bình trở thành điểm đến có sức hấp dẫn, lôi cuốn của khu vực và cả nước.
TTXT du lịch Hòa Bình