Địa điểm du lịch Kênh gym

Lung Ngọc Hoàng tập trung các nghiên cứu bảo vệ rừng

04/09/2015 - 2137 view
Lung Ngọc Hoàng tập trung các nghiên cứu bảo vệ rừng

Ba năm gần đây, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang đã tuyển chọn nhiều đề tài, dự án nghiên cứu với mục tiêu bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi gắn liền trong khu vực. Rừng có vị trí rất quan trọng trong việc phòng hộ đất đai, sản xuất, môi trường và sự sống của con người. Rừng còn góp phần làm giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo môi trường phát triển bền vững, tạo tiền đề cho địa phương khai thác tiềm năng du lịch. Tuy nhiên, do tác động từ con người, thiên tai đã khiến rừng và sinh vật trong khu vực bị suy thoái dần. Điều này đã dẫn đến khả năng phòng hộ của rừng, chức năng bảo vệ đất đai và tạo nguồn sinh thủy cho hệ thống sông ngòi đã bị suy giảm. Hiện nay, diện tích rừng của cả tỉnh tập trung chủ yếu ở Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng và Trung tâm Nông nghiệp mùa xuân (trung tâm) tại huyện Phụng Hiệp, nên các nghiên cứu được tập trung tại 2 khu vực này.

Năm 2013, cử nhân Trần Thanh Phong, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nhận thấy tính cấp bách của vấn đề trên nên đã đăng ký thực hiện dự án “Nghiên cứu biện pháp lâm sinh để bảo tồn rừng trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng”. Đến nay, dự án đã hoàn thành và mang về những kết quả đáng ghi nhận. Dự án đã tìm kiếm những biện pháp lâm sinh thích hợp để phục hồi cấu trúc rừng, hiện trạng, tăng chất lượng rừng tràm nhằm bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước của rừng tràm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, duy trì cân bằng sinh thái trong khu vực. Chủ nhiệm dự án Trần Thanh Phong cho biết: “Khi thực hiện dự án, chúng tôi dùng biện pháp tác động đến rừng Lung Ngọc Hoàng chủ yếu ở hai dạng thực vật là các loài dây leo quấn cây tràm như: choại, bòng bong, tơ hồng và các loài thân thảo, cây bụi như: cỏ mồm, năn, lác, sậy, nổ... Sau đó, xử lý các loài thực vật này bằng biện pháp dọn phát trong mùa khô, tận dụng lại làm nguồn hữu cơ cung cấp cho quá trình mùn hóa của đất mặt dưới chân rừng. Bên cạnh đó, kèm theo biện pháp xử lý vào cuối mùa khô đầu mùa mưa để bổ trợ cho biện pháp dọn phát đầu mùa khô. Mục tiêu là giảm các loài thực vật này và tăng khả năng cạnh tranh dinh dưỡng cho cây tràm trong rừng Lung Ngọc Hoàng”.

Bên cạnh việc bảo vệ cây rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh tiếp tục đăng ký với Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện tiếp dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và bảo vệ rừng tại Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng” sau khi kết thúc dự án trên. Kỹ sư Đoàn Ngọc Thân, chủ nhiệm dự án cho hay: Dự án sẽ ứng dụng công nghệ thông tin địa lý (GIS) và công nghệ thông tin định vị toàn cầu (GPS), phần mềm diễn biến rừng, cảnh báo cháy rừng vào công tác quản lý, bảo vệ rừng kịp thời. Qua đây, dự án còn nâng cao năng lực cho cán bộ ngành kiểm lâm. 15 cán bộ ngành sẽ thông thạo hơn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, giúp trong công tác quản lý về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng hiệu quả hơn.

Song song với việc quản lý, bảo vệ rừng, cháy rừng, ngành chức năng địa phương quan tâm đến bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong khu vực. Trong tháng 7, thạc sĩ Lê Kim Ngọc, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cũng bắt đầu tiến hành đề tài “Nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đề xuất giải pháp bảo vệ và phát triển”. Đề tài sẽ nghiên cứu đánh giá hiện trạng khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, trong đó có khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng. Qua đó, chủ nhiệm đánh giá thành phần và số lượng giống loài thủy sản phân bố tại Lung Ngọc Hoàng, tìm ra các loài thủy sản có giá trị kinh tế đang gặp nguy cơ bị cạn kiệt. Trên cơ sở đó, chủ nhiệm có kế hoạch bảo tồn, tái tạo, giúp nguồn lợi thủy sản của tỉnh phát triển bền vững, đảm bảo tính đa dạng sinh học.

Mới đây, tiến sĩ Dương Văn Ni, Trường Đại học Cần Thơ, cũng nghiên cứu đề tài “Quản lý, bảo vệ và phát triển vườn chim Trung tâm Nông nghiệp mùa xuân huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang”. Đề tài sẽ khảo sát đánh giá hiện trạng chất lượng thành phần môi trường đất, nước theo kiểu sử dụng đất tự nhiên và canh tác liên quan đến hiện trạng phân bổ cá tự nhiên, quần thể chim hay mức độ đa dạng sinh học; đánh giá hiện trạng và thành phần loài của quần thể chim, tại khu vực quy hoạch bảo tồn động - thực vật quý hiếm; thống kê danh mục loài cây bản địa, quy tập tập đoàn cây bản địa như mô hình ươm thực vật, tạo cảnh quan dẫn dụ chim; khảo sát hiện trạng kinh tế - xã hội các mô hình canh tác nông nghiệp và kết hợp khai thác tiềm năng du lịch sinh thái... Từ cơ sở này, ngành chức năng có hướng điều chỉnh, quản lý và phát triển vườn chim hiệu quả, duy trì chủng loại và số lượng đàn về trú ngụ nhiều hơn.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lê Xuân Tý cho biết: Trên cơ sở nhu cầu cấp thiết của các ngành, lĩnh vực mà sở đề nghị, tham mưu Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, UBND tỉnh tuyển chọn đề tài, dự án phù hợp. Đặc biệt năm nay, thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã tổ chức xét duyệt cho 2 đề tài có liên quan về rừng nhằm mục đích nêu trên. Dự kiến trong tháng tới, sở sẽ tổ chức họp Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh tư vấn, xét duyệt đề cương đề tài để điều tra cơ bản, đánh giá thực trạng sinh học khu bảo tồn Lung Ngọc Hoàng và xác định các vấn đề ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.

TTXT du lịch Hậu Giang

Mục lục

Du lịch Hậu Giang
          - Chợ nổi Ba Ngàn
          - Lung Ngọc Hoàng