Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Hải Dương phát triển ấn tượng

10/07/2015 - 1154 view
Du lịch Hải Dương phát triển ấn tượng

Hòa cùng với sự lớn mạnh của ngành du lịch cả nước, thời gian qua, du lịch Hải Dương đã có bước phát triển ấn tượng, tạo đà cho giai đoạn tiếp theo thực hiện đề án phát triển du lịch tỉnh sâu rộng và toàn diện.

Bước tăng trưởng đột phá

Năm 2006, UBND tỉnh ban hành “Đề án phát triển du lịch Hải Dương giai đoạn 2006 - 2010” nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý và khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch; hình thành hệ thống các khu, tuyến, điểm du lịch trên địa bàn; thúc đẩy phát triển hệ thống khách sạn, nhà hàng, điểm dừng chân và các cơ sở vui chơi giải trí. Do đó, du lịch tỉnh ta đã có bước phát triển ấn tượng với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm về khách lưu trú đạt gần 18%, doanh thu gần 17%, số phòng khách sạn tăng trên 16%...

Trước sự phát triển và cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực du lịch, từ năm 2011, UBND tỉnh đã có kế hoạch “Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hải Dương đến năm 2020”. Nhiều đề án đã được phê duyệt nhằm giới thiệu, quảng bá các điểm, sản phẩm du lịch tiêu biểu của tỉnh. Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Hải Dương giai đoạn 2011 - 2015” đã khai thác các tour du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề; gắn việc quản lý, khai thác du lịch với bảo vệ, tôn tạo cảnh quan, môi trường, bảo đảm phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, đã tạo hình ảnh rõ nét hơn đối với một số khu, điểm du lịch như Côn Sơn - Kiếp Bạc, gốm Chu Đậu, Đảo Cò Chi Lăng Nam.

Cuối năm 2012, đề án xây dựng mô hình điểm: “Phát triển du lịch cộng đồng ở Đảo Cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện đến năm 2020” đã đánh thức tiềm năng của vùng du lịch sinh thái độc đáo này. Năm 2014, khi Đảo Cò được công nhận di tích danh thắng quốc gia thì nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Ông Nguyễn Đức Minh, Chủ tịch UBND xã Chi Lăng Nam cho biết: Từ đầu năm đến nay, di tích đã đón khoảng 14.000 lượt khách du lịch, tăng 4.000 lượt so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, khách nước ngoài chiếm khoảng 7%. Lượng du khách tăng do Đảo Cò mới được công nhận là di tích quốc gia. Ngoài ra, các công ty du lịch cũng đã mở các tour kết nối giữa khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc với Đảo Cò.

Năm 2012, Trung tâm xúc tiến du lịch Hải Dương (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) được thành lập, đánh dấu bước phát triển trong quảng bá hình ảnh cho du lịch tỉnh nhà. Lần đầu tiên, công tác xúc tiến, quảng bá được làm chuyên sâu, bài bản, quy mô. Ông Khổng Quốc Tuân, Giám đốc trung tâm cho biết: Từ khi được thành lập, trung tâm đã xây dựng và tổ chức chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp tuyên truyền quảng bá về du lịch ở trong và ngoài nước; đồng hành cùng Hiệp hội du lịch Hải Dương triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh... Mỗi năm, trung tâm tổ chức các gian hàng giới thiệu địa chỉ, sản phẩm du lịch của tỉnh tham dự các hội chợ. Năm 2014, trung tâm đã khảo sát, thu thập thông tin 25 điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; phối hợp tổ chức 3 đoàn khảo sát các điểm đến như Côn Sơn - Kiếp Bạc, đền thờ Chu Văn An (Chí Linh), gốm Chu Đậu (Nam Sách), các chùa Đồng Ngọ, Minh Khánh, Bạch Hào và vải thiều (Thanh Hà)... với sự tham gia của trên 200 lượt doanh nghiệp lữ hành. Phối hợp khảo sát xây dựng 2 tour du lịch mới trong tỉnh ở Thanh Hà và Ninh Giang, Thanh Miện. Năm 2014, trung tâm biên tập, xuất bản 2.000 tập gấp, cẩm nang du lịch Hải Dương bằng tiếng Việt, tiếng Anh; phối hợp với Tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch xây dựng chuyên mục “Khám phá du lịch tại Hải Dương”; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng các phóng sự về các lễ hội và khu du lịch quan trọng. Năm nay, trung tâm phối hợp với Báo Hải Dương tăng cường tuyên truyền quảng bá về du lịch...

Tranh thủ các nguồn lực

Bà Phạm Thu Liên, Trưởng phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở du lịch Hải Dương) cho biết: hiện tỉnh có 149 di tích cấp quốc gia, 194 di tích cấp tỉnh gắn với các lễ hội dân gian đặc sắc. Ngoài ra còn có các vùng cảnh quan tự nhiên hấp dẫn như Đảo Cò, sông Hương (Thanh Hà), hệ thống rừng, hồ, hang động thuộc Chí Linh và Kinh Môn... với tiềm năng du lịch lớn. Do được quan tâm đầu tư nên khách du lịch lưu trú tăng từ gần 600.000 lượt người năm 2010 lên trên 1,1 triệu lượt năm 2015 (trung bình 14,5%/năm). Doanh thu tăng từ 727,9 tỷ đồng năm 2010 ước lên 1.350 tỷ đồng vào năm nay (trung bình 13%/năm). Số lượng doanh nghiệp làm du lịch tăng nhanh, đến nay, toàn tỉnh đã có gần 200 doanh nghiệp và hộ cá thể kinh doanh hoạt động trong các lĩnh vực lữ hành, lưu trú, vận chuyển khách, cho thuê xe du lịch Hải Dương và các dịch vụ du lịch khác. Hệ thống sản phẩm du lịch hình thành rõ nét hơn và phát huy được bản sắc văn hóa, nét độc đáo riêng, nổi bật là sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh ở Côn Sơn - Kiếp Bạc, sản phẩm du lịch làng nghề gốm Chu Đậu, du lịch sinh thái Đảo Cò, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, thể thao ở TP Hải Dương.

Tuy nhiên, du lịch Hải Dương còn những hạn chế trong phát triển thị trường, thu hút nguồn vốn đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng và sản phẩm du lịch. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, nâng cao chất lượng các loại dịch vụ, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của ngành cũng khó khăn...

Để phát huy hiệu quả tiềm năng, đưa du lịch Hải Dương trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh cần tiếp tục có sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành và địa phương. Trên cơ sở phát huy các nguồn lực sẵn có, tranh thủ thu hút mọi nguồn vốn của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển du lịch, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế, tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn..., góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.

TTXT du lịch Hải Dương

Mục lục

Du lịch Hải Dương
          - Đảo cò Chi Lăng Nam
          - Côn Sơn Kiếp Bạc
          - Đền Chu Văn An