Địa điểm du lịch Kênh gym

Đảo cò Chi Lăng Nam, những chuyện ly kỳ

01/01/2016 - 2355 view
Đảo cò Chi Lăng Nam, những chuyện ly kỳ

Nằm cách thành phố chừng khoảng 30 cây số, Đảo cò Chi Lăng Nam (Hải Dương) như một viên ngọc lọt thỏm giữa bốn bề xanh ngắt của trời và nước. Đến đây, chúng tôi không chỉ bị hấp dẫn bởi cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú mà còn bị lôi cuốn vào những câu chuyện ly kỳ xung quanh hòn đảo này.

Mảnh đất thiêng

Anh lái đò Nguyễn Quốc Huy khẽ khua mái chèo đưa thuyền của chúng tôi chầm chậm đi về phía hai hòn đảo, nơi trú ngụ của họ hàng nhà cò. Nước hồ An Dương trong vắt, xanh thăm thẳm. Mở Google map để tìm vị trí của mình trên đảo, cô bạn tôi cất giọng: “Lạ quá! Trên bản đồ hòn đảo này giống hệt con cò đang lội giữa hồ nước”. Anh lái đò nghe thấy thế, kiêm luôn thuyết minh về Đảo cò Chi Lăng Nam : “Thiên nhiên đã ban tặng cho loài cò mảnh đất này. Vì thế mà lẽ ra mùa đông, với đặc tính của loài chim di trú, cò sẽ rời đảo bay đi tìm vùng ấm áp hơn để sinh sống. Nhưng bao mùa đông đã qua, cò không bỏ đảo mà còn đi “rủ” thêm nhiều loài chim chóc khác về đây cùng trú ngụ. Có lẽ, chúng đã coi nơi đây là nhà”. Từ xa nhìn lại, cò đậu kín những nhánh cây khô trên đảo giống như những bông hoa trắng nổi bật giữa trời chiều. Nhẹ nhàng đưa thuyền vào gần đảo, anh Huy nói khẽ: “Đảo Cò còn là mảnh đất thiêng”.

Thật tình cờ, sau vài giờ thong dong vòng quanh đảo, vừa lên bờ, chúng tôi đã được gặp ngay ông Ban. Trước đây, ông là Trưởng Ban Quản lý đảo, nay đã về hưu. Gắn bó với Đảo cò Chi Lăng Nam gần 20 năm qua nên mặc dù đã về hưu nhưng ngày nào cũng vậy, bất kể nắng mưa, ông đều ra thăm đảo ít nhất một lần. “Với tôi đàn cò như con, không gặp chúng vài ngày tôi bứt rứt, không yên”, ông Ban cười nói rồi nhấp ngụm trà nóng. Giọng trầm ngâm, ông kể: “Nguồn gốc cũng như sự hình thành Đảo cò Chi Lăng Nam không có tài liệu nào ghi lại. Tôi lớn lên đã thấy cò về sinh sống đông vui trên đảo này rồi. Nghe các cụ làng tôi kể xưa kia vùng hồ An Dương này vốn là khu ruộng trũng, rộng mênh mông, ước chừng vài trăm mẫu, cò bay mỏi cánh. Ở giữa đồng chiêm trũng này lại có một gò cao. Nơi ấy các cụ đã dựng một ngôi chùa. Cuối thế kỷ 18, qua 3 trận đại hồng thủy, đê vỡ, những cơn lũ dữ đi qua đã nhấn chìm tất cả. Những dòng nước lớn cuộn chảy, xoáy sâu, nhấn chìm làng mạc trong biển nước. Ngôi chùa trên đỉnh gò cũng biến mất. Nhưng thật lạ kỳ, sau trận lũ, nơi ngôi chùa biến mất lại hình thành nên một hòn đảo giữa lòng hồ rộng lớn. Cũng từ đó, chẳng hiểu tại sao từng bầy cò vạc từ đâu ríu rít kéo nhau về làm tổ, sinh sôi, nảy nở. Người trong làng cũng bắt đầu truyền tai nhau những câu chuyện lạ kỳ về hòn đảo này”. Chuyện kể rằng người làng An Dương thấy hồ lắm tôm, nhiều cá nên thuê phường chài ở Hà Nam về đánh bắt. Vì không tin vào lời dặn của các cụ trong làng, những người này thản nhiên giăng lưới mà không thắp hương xin phép bà chúa Vực, người được dân làng tôn sùng như một lãnh chúa của đảo. Vì vậy, lần đầu tiên thả xuống, lưới đánh cá bị vướng vào một vật dưới hồ không kéo lên nổi. Một người đàn ông tên Câu đã nhảy xuống hồ để gỡ lưới nhưng ông này mất tăm, không thấy lên nữa. 7 ngày sau, người ta mới thấy xác ông Câu nổi lên mặt nước. Người làng kháo nhau ông Câu bị bà chúa Vực sai thuồng luồng đến bắt!

Cũng từ đó, lòng hồ An Dương, nơi có Đảo cò Chi Lăng Nam này xuất hiện những câu chuyện kỳ bí. Nhiều người trong làng còn bảo lòng hồ có rất nhiều hang sâu, nơi trú ngụ của những con thuồng luồng. Người trong làng đồn đoán sâu dưới lòng hồ vẫn ẩn giấu rất nhiều bí mật về ngôi chùa cổ năm xưa đã bị lũ nhấn chìm. Nơi đó cất giấu nhiều châu báu và có nhiều cá to sinh sống. Tuy nhiên, vì linh thiêng nên người dân trong làng không ai có ý định lặn xuống hồ để tìm bí mật ấy. Dân làng cũng coi những đàn cò trú ngụ nơi đây là tài sản chung nên có ý thức bảo vệ và coi chúng như con vật thiêng của làng. “Trẻ con làng này không dám bắt cò về chơi hoặc ăn thịt bởi chúng được các cụ trong làng kể cho nghe những câu chuyện kỳ bí về thuồng luồng, cá thần và chuyện ăn thịt cò sẽ bị bà chúa Vực quở, có thể đau bụng quằn quại. Chẳng biết thực hư thế nào, nhưng chúng có ý thức bảo vệ đàn cò ghê lắm. Chúng không bắt cò và hễ thấy ai bắt cò là chúng báo ngay với Ban Quản lý”, ông Ban cười nói.

Vì là vùng đất thiêng nên mỗi khi đến Đảo cò Chi Lăng Nam, những thợ câu cá thường thắp hương xin lộc bà chúa Vực hay cầu lành tại chùa ngay cạnh hồ. Nhiều người còn bảo Đảo Cò giống như đôi mắt ngọc của hồ An Dương. Vì thế, để bảo vệ đôi mắt ấy, nước hồ không bao giờ cạn. “Đất lành chim đậu”, người dân Chi Lăng Nam bao đời nay tin vào những câu chuyện kỳ bí của Đảo Cò mà quyết tâm bảo vệ, tôn tạo đảo trở thành di tích quốc gia.

Món quà vô giá

Đã có kinh nghiệm du lịch đảo cò Hải Dương nhiều lần nhưng lần nào đến đây tôi cũng được ông Vũ Nha, một trong những thành viên đồng hành lâu nhất với Dự án “Bảo tồn, phát triển hệ sinh thái tự nhiên Đảo cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện” của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) giới thiệu cho nghe những điều mới mẻ. Ông Nha cho biết: “Những tháng ngày điền dã nơi đây đã cho tôi nhiều khám phá lý thú. Giữa vùng hồ rộng mênh mông, Đảo Cò ở Thanh Miện, Hải Dương này như một bông hoa đồng nội của vùng chiêm trũng đồng bằng Bắc Bộ. Mỗi lần ra thăm đảo, tôi lại thấy vùng đất này thêm chật chội bởi sự sinh sôi, phát triển mạnh mẽ của quần cư những loài chim sống ở đây. Hệ sinh thái phong phú, đa dạng và không ngừng phát triển đã cho tôi những kiến thức vô giá về thiên nhiên”.

Theo ước tính của các nhà khoa học, hiện Đảo cò Chi Lăng Nam thường xuyên có trên 15.000 con cò với 9 loại gồm cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ruồi, cò đen, cò hương, cò nghênh, cò ngang, diệc và trên 5.000 con vạc cùng với nhiều loài chim quý hiếm như bồ nông, mòng két, le le, cú mèo... về đây trú ngụ. Các loài cò, vạc chủ yếu sinh sống trên 2 đảo lớn với tổng diện tích hơn 7.000 m2. Theo kết quả nghiên cứu của dự án, khu hồ An Dương là khu đa dạng sinh thái với nguồn thủy sinh vật phong phú, đồng thời cũng là nơi sinh sống lý tưởng cho các loài chim, cá quý hiếm. Đảo còn tồn tại một số sinh vật có tên trong “Sách đỏ Việt Nam” như: tổ đỉa, rái cá, cá ngạnh, cá vền. Đặc biệt, nơi đây còn có loài cá măng kìm, một trong những loại cá quý hiếm của nước ta có trọng lượng hơn 30 kg. Đây cũng là loài cá lớn nhất sống trong môi trường nước ngọt ở Việt Nam. Sự đa dạng về động vật, thực vật nơi đây đã tạo ra một hệ sinh thái hấp dẫn và hiếm có tại khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng, thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan, đồng thời trở thành địa chỉ để giáo dục môi trường hấp dẫn đối với học sinh, sinh viên, du khách từ nhiều nơi trên thế giới. PGS.TS sinh thái học Lê Diên Dực khẳng định: “Vùng sinh thái Đảo cò Chi Lăng Nam là nơi đẹp nhất về sinh cảnh, đông nhất về số lượng cá thể và lớn nhất về thành phần loài chim” khi ông so sánh với các làng cò ở Thanh Hóa và Hà Nội.

Câu chuyện về Đảo Cò mà ông Ban và ông Nha kể vừa kết thúc cũng là lúc tôi bị thu hút bởi âm thanh ríu rít từ xa vang lại. Nhìn lên bầu trời, những đốm đen chi chít nhỏ bé cứ lớn dần. Đã đến giờ cò về tổ, vạc rời đảo đi kiếm ăn. Khoảnh khắc giao ca giữa 2 loài chim có số lượng đông nhất đảo như khuấy động không gian bình yên của đảo. Tức cảnh sinh tình, ông Vũ Nha liền đọc tặng chúng tôi mấy câu thơ: “Trải qua năm tháng nắng mưa/ Cây đa bến nước Đảo Cò vẫn xanh”, rồi ông bảo: “Hy vọng, viên ngọc xanh Đảo cò Chi Lăng Nam sẽ được gìn giữ mãi”.

Đảo cò Chi Lăng Nam, những chuyện ly kỳ 2

Đảo cò Chi Lăng Nam, những chuyện ly kỳ 3


TTXT du lịch Hải Dương

Mục lục

Du lịch Hải Dương
          - Đảo cò Chi Lăng Nam
          - Côn Sơn Kiếp Bạc
          - Đền Chu Văn An