Du lịch Hà Tĩnh sau những khó khăn trong phát triển các loại hình du lịch biển do sự cố môi trường, hiện nay, cùng với tiếp tục khắc phục, ổn định và phát triển du lịch biển, thì việc đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, văn hóa - tâm linh kết hợp với lễ hội truyền thống là việc cần làm, nhằm ổn định và nâng cao nguồn thu từ lĩnh vực du lịch.
Trong bối cảnh hiện tại, bên cạnh nỗ lực giải quyết những vấn đề bức xúc liên quan, thì yêu cầu của sự phát triển đang đặt ra cho Hà Tĩnh phải có những giải pháp chiến lược, một sự chuyển hướng hợp lý để tiếp tục đưa ngành du lịch phát triển ổn định, đúng hướng. Theo ông Lê Trần Sáng - Phó Giám đốc Sở du lịch Hà Tĩnh, tiềm năng du lịch của tỉnh rất đa dạng, phong phú, tuy nhiên, việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - lịch sử, tâm linh gần như bị bỏ ngỏ.
Trên bản đồ du lịch Hà Tĩnh có các điểm đến đặc sắc về sinh thái, lịch sử - văn hóa nổi tiếng, các di tích gắn với chiến công vẻ vang của dân tộc trong kháng chiến cứu nước cùng nhiều khu du lịch sinh thái hấp dẫn. Thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có trên 400 di tích, trong đó, 67 di tích đã được Nhà nước xếp hạng di tích quốc gia. Hà Tĩnh cũng là cái nôi của nhiều làn điệu dân ca (hát ví, giặm, ca trù...), có nhiều trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống đặc sắc... “Xét về góc độ tiềm năng, lợi thế, có thể nói, du lịch tỉnh Hà Tĩnh không hề thua kém nhiều địa phương khác. Đặc biệt, Hà Tĩnh có tiềm năng tổng hợp để phát triển các loại hình du lịch mà không phải địa phương nào cũng có” - Giám đốc Công ty CP Lữ hành Thành Sen Nguyễn Tiến Trình khẳng định.
Với yêu cầu tiếp tục nâng cao nguồn thu từ lĩnh vực du lịch, hiện nay, cùng với khắc phục và phát triển du lịch biển, ngành VHTTDL Hà Tĩnh đang tích cực tham mưu cho tỉnh chuyển hướng chỉ đạo khai thác tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch văn hóa - tâm linh, kết hợp với lễ hội truyền thống, trên cơ sở bám sát quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia, khu vực Bắc Trung bộ và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Hà Tĩnh.
Đặc biệt, với nỗ lực của tỉnh trong thu hút đầu tư, những năm qua, nhiều nhà đầu tư lớn đã triển khai những dự án có tầm cỡ cho du lịch Hà Tĩnh như: Tập đoàn Mường Thanh (dự án Khách sạn 4 sao ở TX Kỳ Anh), Công ty TNHH Quý Gia (Khu du lịch sinh thái Hải Thượng - Hương Sơn); dự án khu phức hợp Vincom (TP Hà Tĩnh); dự án xây dựng tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Vinpearl Cửa Sót (Lộc Hà), do Công ty CP Vinpearl thuộc Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng; khu liên hợp sân golf, trung tâm đua chó giải trí Xuân Thành (Nghi Xuân), dự kiến đi vào hoạt động năm 2017...
Tour du lịch Hà Tĩnh cũng đang mở rộng kết nối các điểm du lịch biển với hành trình “Con đường di sản miền Trung”, tuyến du lịch xuyên Việt, đặc biệt là khai thác tối đa tuyến hành lang Đông - Tây...; tích cực, chủ động khai thác nguồn khách truyền thống tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; tiếp cận và khai thác nguồn khách du lịch tiềm năng tại TP Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng và khách quốc tế truyền thống như Trung Quốc, các nước thuộc khối ASEAN... Nâng cao chất lượng hoạt động của các ban quản lý khu, điểm du lịch, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn, quản lý giá hàng hóa, dịch vụ, không ngừng cải thiện môi trường du lịch. Toàn tỉnh hiện có 252 doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong lĩnh vực lưu trú du lịch và 7 công ty lữ hành hoạt động khá hiệu quả.
Thể hiện chiến lược đa dạng hóa các loại hình du lịch, đẩy mạnh hoạt động quảng bá giới thiệu du lịch Hà Tĩnh, thu hút du khách, ngay trong ngày đầu năm 2017, Sở VHTTDL đã tổ chức đón đoàn du khách đầu tiên từ Hàn Quốc và một số du khách nước ngoài đến tham quan, nghỉ dưỡng, thưởng thức ẩm thực và các dịch vụ du lịch tại các điểm du lịch sinh thái, văn hóa tâm linh phía Tây của tỉnh như: Khu du lịch sinh thái Hải Thượng; Khu du lịch sinh thái Nước Sốt (Sơn Kim, Hương Sơn), Khu du lịch sinh thái Đức Đường (Nghi Xuân); chùa Hang (TX Hồng Lĩnh)... “Thật vinh dự là đoàn du khách đầu tiên đến “xông đất” Hà Tĩnh, được trải nghiệm các loại hình du lịch, những danh lam, thắng cảnh và các điểm du lịch văn hóa, tâm linh cũng như các sản phẩm ẩm thực Hà Tĩnh thật sự gây ấn tượng. Đặc biệt, chúng tôi thực sự bị cuốn hút bởi sự thân tình, nồng hậu và mến khách của những người làm du lịch cũng như người dân Hà Tĩnh” - ông Lee-hui-pio, trưởng đoàn du khách Hàn Quốc bày tỏ.
Khó khăn, nhìn ở một góc độ khác, có thể chính là động lực và là yêu cầu để những người làm du lịch Hà Tĩnh trăn trở, tìm hướng đi bền vững hơn. Trong khi du lịch biển đang từng bước phục hồi thì việc phát triển các loại hình sinh thái, văn hóa, lịch sử, tâm linh... chính là cách làm phù hợp, góp phần phát triển du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương có “rừng vàng biển bạc”, “địa linh nhân kiệt”.
TTXT du lịch Hà Tĩnh