Du lịch Gia Lai có rất nhiều tiềm năng để phát triển, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa, lịch sử. Cùng với việc tăng cường thu hút đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh đang từng bước đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết doanh nghiệp để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Giàu tiềm năng du lịch
Gia Lai là một tỉnh miền núi biên giới, nằm trong vùng Tam giác phát triển của khu vực Đông Dương là Việt Nam - Lào - Campuchia, có vị trí rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng của vùng Tây Nguyên. Cùng với vị trí địa lý có nhiều thuận lợi, du lịch Gia Lai còn có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, nhiều thắng cảnh đẹp như Biển Hồ (TP. Pleiku), thác Phú Cường (huyện Chư Sê), thác 50 (huyện Kbang), thác Công Chúa (huyện Chư Pah), thác Lệ Kim, thác Chín Tầng (huyện Ia Grai), Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang), đồi thông Glar (huyện Đak Đoa)... Trong các thắng cảnh kể trên, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh - một trong những Vườn di sản ASEAN có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái.
Cùng với tiềm năng về sinh thái tự nhiên, du lịch Gia Lai còn rất giàu có về tiềm năng du lịch nhân văn với các di tích, văn hóa và kiến trúc độc đáo. Có thể kể đến Quảng trường Đại Đoàn Kết (TP. Pleiku), Nhà lao Pleiku, Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo (thị xã An Khê), di tích Plei Ơi (huyện Phú Thiện), làng Stơr (huyện Kbang), chiến thắng Đak Pơ (huyện Đak Pơ), chiến thắng Plei Me (huyện Chư Prông), bến đò A Sanh (huyện Ia Grai)... Bên cạnh đó, những nét văn hóa truyền thống độc đáo của 2 tộc người Jrai và Bahnar cũng là những điểm nhấn quan trọng cho loại hình du lịch văn hóa. Làng Phung, làng Kép (huyện Chư Pah), làng Đê Ktu (huyện Mang Yang), làng Ốp (TP. Pleiku), làng H’Way (huyện Đak Pơ)... là những ngôi làng còn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc như nhà rông, nhà sàn truyền thống, dệt thổ cẩm, cồng chiêng, đan lát...
Đặc biệt, Gia Lai có một nền văn hóa bản địa đặc sắc với “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, 2 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, 4 di tích cấp tỉnh cùng với nhiều danh lam, thắng cảnh khác chưa được khai phá. Phần lớn những điểm du lịch Gia Lai hấp dẫn phân bố khá tập trung và nằm trong các khu vực có điều kiện phát triển cơ sở hạ tầng nên dễ đầu tư khai thác, trong đó có những điểm du lịch có ý nghĩa quốc gia và quốc tế như: Biển Hồ, hồ Ia Ly, hồ Ayun Hạ, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng, quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo...
Cùng với đó, các địa phương của tỉnh có nhiều đặc sản nổi tiếng và hấp dẫn đối với du khách như: cơm lam, rượu cần, phở khô... Đặc biệt là các loại thổ sản như măng rừng, mật ong, hồ tiêu, cà phê, chè... Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần làm nên sự phong phú và hấp dẫn của du lịch Gia Lai.
Liên kết để phát triển
Những năm gần đây, Gia Lai đã từng bước khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ du lịch Việt Nam. Với mục tiêu đưa ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất là tăng cường liên kết tỉnh và khu vực nhằm phát huy lợi thế của mỗi địa phương, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tạo sức hấp dẫn mới đối với du khách.
Thời gian vừa qua, ngành du lịch Gia Lai đã đẩy mạnh việc liên kết phát triển du lịch với các tỉnh và khu vực như: liên kết với TP. Hồ Chí Minh, khu vực Tây Nguyên và gần đây nhất là liên kết với 3 tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đak Lak. Để quảng bá và thu hút du khách, các tỉnh đã tham gia “Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam lần thứ 4-VITM Hanoi 2016”; Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. Hồ Chí Minh lần thứ 12 (ITE-HCMC 2016)... Quan trọng hơn, trong quá trình liên kết, các tỉnh có thể trao đổi, chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm tổ chức, các hình thức quảng bá du lịch.
Với định hướng phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, Gia Lai đang phấn đấu thực hiện mục tiêu trong năm 2020 đón 365.000 lượt khách, trong đó: khách quốc tế đạt 15.000 lượt, khách nội địa đạt 350.000 lượt; doanh thu đạt 300 tỷ đồng; sử dụng 2.500 lao động, trong đó lao động trực tiếp là 1.500 người, lao động gián tiếp là 1.000 người. Để làm được điều đó, Gia Lai đã xây dựng đề án “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Gia Lai đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với các quy hoạch chi tiết như: quy hoạch Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh (huyện Mang Yang, Đak Đoa, Kbang), Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (huyện Kbang) là khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, đảm bảo không tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng. Quy hoạch khu phố ẩm thực, mua sắm tại trung tâm TP. Pleiku và Công viên Diên Hồng... Bên cạnh đó, ngành du lịch Gia Lai cũng xây dựng những sản phẩm du lịch mới như: Tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Gia Lai” với các chuỗi sự kiện: liên hoan cồng chiêng nhằm bảo tồn, quảng bá “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” kết hợp khai thác du lịch; lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui (Vua lửa) di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tổ chức tại huyện Phú Thiện; liên hoan ẩm thực, đêm nhạc Pleiku... Xây dựng sản phẩm lưu niệm, đặc sản của địa phương như rượu mật nhân, hàng thổ cẩm, nhạc cụ dân gian...
Ông Phan Xuân Vũ - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết: Ngành du lịch Gia Lai xác định công tác tuyên truyền quảng bá, phát triển liên kết vùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Gia Lai còn phải nỗ lực rất nhiều trong quá trình xây dựng, trong đó, cần cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách ưu đãi thông thoáng hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch trên cơ sở cải thiện trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của lao động trong lĩnh vực du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập kinh tế hiện nay. Đồng thời, cần bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng giao tiếp của người dân tại các điểm du lịch Gia Lai để tạo sự thân thiện, cởi mở với du khách.
TTXT du lịch Gia Lai