Nhận định du lịch là một hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế hiệu quả, thời gian qua, tỉnh Gia Lai đã có những chính sách ưu đãi, kích cầu đầu tư du lịch... Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch Gia Lai đã có những bước tăng trưởng khá, thu hút được nhiều khách du lịch, nhất là khách nội địa.
Theo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, 6 tháng đầu năm 2016, ngành du lịch Gia Lai đã đón 112.000 lượt khách, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó khách nội địa trên 108.300 lượt người, tăng 11%, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và dịch vụ ăn uống chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu du lịch. Nộp ngân sách nhà nước 6,1 tỷ đồng, tăng 7,9%. Đây là tín hiệu tích cực, hứa hẹn nhiều hy vọng để Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.
Hiện, toàn tỉnh có khoảng 80 cơ sở lưu trú với 2.000 phòng được đầu tư bài bản có thể đón khoảng 3.000 du khách. Đồng thời, có 14 doanh nghiệp lữ hành, trong đó, có 7 doanh nghiệp quốc tế và 7 doanh nghiệp nội địa, sẵn sàng hướng dẫn, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của du khách. Chị Nguyễn Thị Hồng Liên (Bình Dương) chia sẻ: du lịch Gia Lai đã khác hẳn so với 5 năm trước tôi đến đây. Tôi cảm nhận được nét hoang sơ, thời tiết trong lành và được chiêm ngưỡng nhà rông, những dụng cụ sinh hoạt như gùi, quả bầu khô, ché rượu... khiến cho tôi thấy thích thú, mới lạ, hấp dẫn.
Không chỉ chiêm ngưỡng những đồ dùng sinh hoạt của người dân bản địa mà khách du lịch Gia Lai còn có thể hòa mình vào cuộc sống người đồng bào dân tộc thiểu số, cùng ở nhà rông, uống rượu cần và từng bừng, rộn ràng với điệu múa xoan truyền thống tại các huyện Chư Pah, Mang Yang, Đak Đoa...
Ngoài ra, nhiều suối hồ, ghềnh thác, đèo và những cánh rừng nguyên sinh đã tạo nên những cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ thơ mộng, mang đậm nét hoang sơ nguyên thủy của núi rừng Tây Nguyên khiến khách đến du lịch Gia Lai ngỡ ngàng, thích thú. Đó là rừng nhiệt đới Kon Ka Kinh có nhiều động vật quý hiếm; thác Xung Khoeng hoang dã ở huyện Chư Prông; thác Phú Cường thơ mộng ở huyện Chư Sê; Biển Hồ trên núi mênh mông và phẳng lặng, núi Hàm Rồng có đỉnh là miệng của một núi lửa đã tắt...
Anh Trần Đức An (Bình Định) vui vẻ nói: Tôi bị hấp dẫn bởi nét hoang sơ, hùng vĩ của núi rừng Gia Lai. Tôi có thể leo núi, câu cá và thưởng thức những món ăn độc đáo tại đây. Mọi thứ đều khác với những nơi tôi đã đi qua. Nơi đây đã để lại cho tôi dấu ấn đậm sâu về thiên nhiên hùng vĩ, về con người thân thiện, chân chất.
Trong xu hướng ngày càng phát triển, nhu cầu du lịch của người dân ngày càng tăng, vì thế các tỉnh đang đầu tư mạnh vào ngành công nghiệp không khói để thu hút khách thì tỉnh Gia Lai cũng tập trung đầu tư du lịch, đón lượng khách tăng đáng kể. Ông Nguyễn Đức Hoàng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Gia Lai cho biết: Hệ thống giao thông được hoàn thiện, sân bay được nâng cấp và việc xúc tiến, quảng bá du lịch, chủ động tiếp cận với doanh nghiệp đầu tư lớn trong nước, tham gia các hội nghị đầu tư tại các tỉnh, liên kết hợp tác phát triển du lịch tại 4 tỉnh... đã giúp cho Gia Lai thu hút nhiều khách du lịch, đặc biệt là khách nội địa.
Phát triển du lịch trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phát huy những lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về cảnh quan, môi trường, lễ hội, di tích lịch sử, các giá trị văn hóa đặc sắc, đưa Gia Lai trở thành trung tâm du lịch của vùng đang là hướng đi trọng tâm của ngành du lịch Gia Lai. Cũng theo ông Hoàng - để ngành du lịch tỉnh nhà thu hút thêm khách, trong thời gian tới, cần khảo sát xây dựng một số tuyến du lịch mới, đặc biệt là du lịch văn hóa; tăng cường khai thác du lịch tại vườn quốc gia Kon Ka Kinh; kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, các điểm vui chơi tại Biển Hồ, công viên Văn hóa các dân tộc, vườn quốc gia và một số điểm du lịch trên địa bàn thành phố Pleiku; Đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ nguồn nhân viên, tổ chức các hội nghị cho các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành; tổ chức các cuộc thi như ảnh đẹp Gia Lai, ẩm thực Gia Lai; xin cơ chế sửa chữa, nâng cấp một số nhà rông, nhà sàn ở các khu du lịch... Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong năm 2016 du lịch Gia Lai đón 236.000 lượt khách, năm 2020 đón 365.000 lượt khách và đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng bình quân từ 15 đến 18%/năm.
TTXT du lịch Gia Lai