Địa điểm du lịch Kênh gym

Hồ Ayun Hạ, sa bắt cá độc đáo

19/01/2014 - 1130 view
Hồ Ayun Hạ, sa bắt cá độc đáo

Cách cửa xả lũ của hồ Ayun Hạ (Gia Lai) hơn 1 km đã nghe tiếng nước réo ầm ầm giữa núi rừng. Hai họng nước như dòng thác đổ từ độ cao hơn 30 mét với lưu lượng 200 m3/s, bụi nước mịt mù cả trăm mét. Ngày lũ lớn, lưu lượng xả lên 500-700 m3/s. Dòng nước hung dữ này hẳn không dành cho người yếu vía nếu muốn tới gần. Cách đó hơn 200 mét là nơi ông Trần Anh Kiệt đặt chiếc sa bắt cá chạy ngang dòng sông rộng 50 mét, mỗi ngày thu cả tấn cá.

“Thủy quái” Ayun Hạ

Trong “Đại Nam liệt truyện chính biên” nhị tập đoạn viết vào năm Minh Mạng thứ 21 (1841) đề cập đến vùng đất “Hỏa xá” - thung lũng Ayun Pa (Gia Lai) ngày nay rằng: “Trong vùng dân không biết chữ, vay mượn thì lấy dây thắt nút làm ghi; cách sinh nhai thì đào đất trồng cấy, không có cày bừa...”. Và vùng đất lòng chảo còn đậm đặc phong vị bản địa ấy vẫn tồn tại nhiều giai thoại về loài “thủy quái” trên sông Ayun.

Anh Ksor Mơn - một người làm nghề đánh cá gần 30 năm nay ở xã Ayun, huyện Chư Sê kể: “Cách đây hơn 20 năm, trong một lần buông lưới buổi tối, khi kéo lưới lên mình nghe tiếng quẫy mạnh, phải buộc lưới ghì vào thuyền, hoảng sợ: Hay có con trăn to mắc vào lưới rồi. Trấn tĩnh một hồi, mình đánh liều kéo lưới lên, để con dao sắc cạnh người thủ thế. Trời ơi, một con cá mè dài như con người, vảy phủ rêu xanh trồi lên, cân nặng gần 40 kg. Cả làng hiếu kỳ xúm đến xem. Mình bảo cho mọi người cùng làm thịt nhưng ai cũng sợ, bảo là cá ma”.

Nhiều ngư dân ở khu vực này không còn nhớ đã bắt bao nhiêu cá “khủng” trong những lần dong thuyền ra hồ. Một người khác bén duyên cùng “thủy quái” trên lòng hồ mênh mông này là ông Trần Anh Kiệt. Ông bảo rằng gần 20 năm nuôi, đánh bắt cá ở hồ Ayun Hạ ông đã bắt được một số con cá mè, cá trắm to hàng vài chục kg. Sở dĩ có những con cá khủng mắc lưới như vậy, dân bản địa sợ cá to không dám ăn vì họ nói đó là “cá ma”. Và cũng chính từ đây, ông Kiệt sáng chế ra chiếc sa bắt cá có một không hai ở Việt Nam.

Cách bắt cá kỳ lạ

Giữa mênh mông dòng nước hung dữ, ông Kiệt đã cho thợ khoan sâu vào đá, đổ bê tông đặt các trụ sắt lớn. Giăng ngang dòng sông dài khoảng 50 mét là hai tấm lưới sắt, được bắt theo hình tam giác. Ở giữa hai tấm lưới sắt đoạn giữa dòng sông, ông Kiệt đặt một chiếc hộp sắt. Độ cao của cái sa hơn 4 mét. Cá từ hồ Ayun Hạ bị cuốn vào dòng nước đổ xuống sông, gặp phải chiếc sa này giữ lại. Công đoạn cuối cùng khá đơn giản, chỉ đứng chờ cá mắc vào chiếc lưới khổng lồ này để bắt lên. Với sáng kiến này, ông Trần Anh Kiệt đã dự thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ III và được xét chọn trao giải ba. Nói đơn giản là vậy nhưng để làm ra chiếc sa bắt cá hồ Ayun Hạ này không hề đơn giản. Trần Anh Tú, người con thứ được ông Kiệt giao cả cơ nghiệp này kể: “Tiền làm cái sa này lên đến vài tỷ đồng. Chỉ cần một chút sơ suất là cả sa lẫn người bị cuốn trôi cả chục km liền”.

Từ cái sa bắt cá ở hồ Ayun Hạ này, mỗi năm gia đình ông Kiệt thu trên dưới 100 tấn cá. Có ngày bắt được hơn một tấn cá với đủ loại như trắm, mè, lóc, trê... nhưng chủ yếu vẫn là hai loại cá trắm và mè. Hàng năm, gia đình ông Kiệt vẫn thả cá giống xuống hồ để tạo sự bền vững trong khai thác. Theo Tú, cá mè ở đây lớn rất nhanh, lên đến 2 kg/năm. Mới 29 tuổi nhưng Tú đã thành thạo vận hành trơn tru quy trình từ bắt cá, chế biến cho đến làm đá, đóng cá vào thùng chuyển đi. “Thỉnh thoảng ba em ở dưới Khánh Hòa lên kiểm tra công việc, còn lại do em quán xuyến. Hôm nay bắt được chỉ hơn 5 tạ cá, có hôm nhiều bắt được cả tấn. Em ở đây 6 năm, thành công dân bản địa rồi... Cá được thương lái chở đi một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên tiêu thụ” - Tú cho biết. Để vận hành cái sa bắt cá này, Tú thuê gần 20 nhân công, trong đó một số nhân công túc trực 24/24 giờ để bắt cá hồ Ayun Hạ. Phần lớn là cá mè nặng chừng hơn 2 kg bị cuốn xuống mắc vào sa.

Con đập hồ Ayun Hạ hoàn thành vào thập niên 90 thế kỷ trước biến một vùng thung lũng hoang sơ thành đại thủy của Tây Nguyên; với những khu vực dân cư trù phú hình thành. Và mối quan hệ giao thương như câu ca dao xưa: “Ai về nhắn với nậu nguồn/ măng le gửi xuống, cá chuồn gửi lên” xem chừng bị “ảnh hưởng” phần nào bởi vựa cá lớn nhất cao nguyên này.


* Hồ Ayun Hạ (Gia Lai) là hồ nước nhân tạo, hình thành khi dòng sông Ayun được chặn lại vào đầu năm 1994, để khởi công xây dựng công trình thủy lợi Ayun Hạ, đập chính và cửa cấp nước của hồ nằm trên địa bàn xã Chưa A Thai - huyện Ayun Pa, cách TP. Pleiku khoảng 70 km về phía Tây. Vùng ngập chính của hồ thuộc địa phận xã Hbông, huyện Chư Sê. Hồ Ayun Hạ ngoài tác dụng cung cấp nước tưới cho 13.500 ha lúa nước, còn là hồ cung cấp nguồn thủy năng lớn ở khu vực, Nhà máy Thủy điện Ayun Hạ được xây dựng đã hòa điện vào lưới điện quốc gia với 2 tổ máy đi vào hoạt động có công suất 2.700 kW. Bề mặt thoáng của hồ rộng 37 km2, dung tích 253 triệu m3 nước, hồ Ayun Hạ còn là nơi cung cấp nguồn thủy sản lớn cho khu vực Ayun Hạ và TP. Pleiku. Ngoài ra, mặt hồ còn là nơi tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước, tổ chức các đội tàu, thuyền phục vụ khách du lịch tham quan, dã ngoại ngắm cảnh hồ.

Hồ Ayun Hạ, sa bắt cá độc đáo 2

Hồ Ayun Hạ, sa bắt cá độc đáo 3


TTXT du lịch Gia Lai

Mục lục

Du lịch Gia Lai
          - Biển hồ Tơ Nưng
          - Thác Phú Cường
          - Hồ Ayun Hạ
          - Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
          - Thủy điện Yaly