Địa điểm du lịch Kênh gym

Khu du lịch Gáo Giồng, mỏ vàng sinh thái

10/01/2017 - 4069 view
Khu du lịch Gáo Giồng, mỏ vàng sinh thái

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng (Đồng Tháp) nằm cách TP. Cao Lãnh khoảng 20km, cách huyện Cao Lãnh 27km. Đường tốt, dù hơi hẹp, uốn lượn giữa mượt mà xanh đồng ruộng, cây trái và ngũ cốc đẹp hơn tranh vẽ. Từ lúa, bắp, ớt, đậu cho đến tre, tràm, lau sậy. Gặp mùa thu hoạch, bức tranh càng sống động. Giống như cô gái quê xinh đẹp, con nhà gia giáo; phải lần thứ 4 đến Khu du lịch Gáo Giồng (Đồng Tháp) tôi mới bị hớp hồn. Ba lần đầu, lúc thì nắng trưa như đổ lửa, lần thì mưa hè oi bức, bơi xuồng nửa chừng quay lại, chẳng thấy chim cò đâu. Lần thứ 4, mới được tiếp cận vườn chim. Nhưng phải đến lần thứ 5, tôi mới bị chinh phục. Như chàng ngốc si tình, đến thăm khi “nàng” đang ngái ngủ, cáu gắt hay gặp ngày khó chịu thì dễ tự ái bỏ về. Thiên nhiên cũng như con người, phải đồng cảm, đồng điệu và chọn thời điểm để hẹn hò tình tự.

Khu du lịch Gáo Giồng được xem là Đồng Tháp Mười thu nhỏ về sự đa dạng sinh học của hệ thực vật. Ngoài tràm, gáo, nơi đây còn có điên điển, đưng, lác, lau sậy, lúa trời... và là thủ phủ của chim, cò về số lượng và mật độ tự nhiên. Gáo Giồng có lẽ là nơi duy nhất mà họ nhà cò phân khu theo màu sắc. Họ cò trắng, có người gọi đùa là “cò châu Âu” tụ tập khu vực riêng. Cò nổi tiếng làm “nhà” (tổ) sơ sài, trái ngược với dòng dọc, bậc thầy về xây tổ của họ nhà chim. Chắc chúng nghĩ “ăn nhiều chứ ở bao nhiêu” nên mới tuềnh toàng vậy. Đối diện với khu cò trắng châu Âu, ngăn cách bởi con đường tre đẹp long lanh và bờ kênh lãng mạn là khu “cò màu châu Phi” (cò ốc). Từ xám trắng, xám đậm và cả đen đặc. Chúng chen chúc và ồn ào, đủ màu sắc. Có cả mấy cò trắng ham vui qua ở trọ với họ cò màu cùng với trích mồng đỏ, cồng cộc, le le, vịt trời, diệc, nhan điển... Diệc lửa và nhan điển là hai loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam.

Lần thứ 5, tôi đến Khu du lịch Gáo Giồng lúc sắp chạng vạng, khi khách vãn. Đoạn kênh dài hơn cây số, thoảng hương trời đất và cỏ cây dịu ngọt. Mấy con nhan điển, vịt trời và cồng cộc cứ nhào lượn, nghiêng ngó mấy vị khách bồn chồn, nôn nóng. Lần này quyết phải nhìn thật rõ “dung nhan” người đẹp Gáo Giồng. Xuồng nhẹ lướt êm ru. Cách chừng mấy trăm mét đã nghe tiếng ồn ào của họ nhà cò “tám” chuyện. Ái Xuân - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cao Lãnh, chỉ cách phân biệt “giọng nói” của từng loài, cách nhận diện từng họ nhà cò như một hướng dẫn viên kinh nghiệm. Càng tới gần, “hương chim cò” càng nồng nàn (có người nói là nồng nặc). Xuồng phải rẽ lục bình - loài “hoa biết đi”, thậm chí “vừa đi vừa nở” để tiếp cận khu cò châu Phi.

Phải nói là choáng ngợp. Cò bay rợp trời, cứ như công nhân tan sở. Nhiều con tha nhánh cây về gia cố tổ. Mấy con khác tha mồi. Lũ con non đang nháo nhác, há miệng gọi mẹ, chờ bữa ăn chiều. Chúng lóc ngóc giành ăn, chẳng đứa nào nhường đứa nào, dù mẹ cò cố chia đủ. Tình mẫu tử của động vật nào cũng tuyệt vời. Đẹp nhất là những cặp đôi quấn quít với “vũ điệu tình yêu” sau một ngày kiếm ăn vất vả. Có mấy con lặng lẽ một mình, lơ đễnh nhìn “hàng xóm” yêu thương vồ vập. Cò là loài chung thủy, khi “nửa kia” mất đi, “nửa còn lại” phải mất khá lâu mới hòa nhập hoặc tìm “nửa mới”.

Khu du lịch Gáo Giồng đón khách bằng trà tim sen hoặc sữa sen giải nhiệt. Vừa xem phim tư liệu vừa thư giãn thưởng thức hạt sen rang để lấy sức leo lên đài quan sát cao 18m, dùng ống dòm ngắm toàn cảnh vườn chim Gáo Giồng giữa những cánh rừng tràm bạt ngàn xanh thẳm. Thời khắc vàng để ngắm vườn chim là “nhất chạng vạng, nhì rạng đông”, đẹp đến nao lòng. Gáo Giồng được chia thành 4 khu với trên 70km kênh phân lô, 20km đê bao khép kín. Riêng sân chim Gáo Giồng rộng 40ha với 15 loài chim cư trú. Hệ thống kênh rạch chằng chịt là nơi sinh sống của các loài cá lóc, cá rô, cá linh, cá sặc, cá thác lác, rắn, lươn, rùa, trăn, chuột đồng... Mấy cô gái Cao Lãnh chân quê vừa bơi xuồng, vừa giới thiệu, thi thoảng cất giọng hò Đồng Tháp ngọt lịm. Cô nào cũng tóc dài, thoảng hương chanh, hương bưởi quê nhà. Đoạn kênh chính dài hơn cây số, xuồng bơi nhẹ tênh giữa hương đồng gió nội. Rẽ phải vào khu vực “cò châu Phi” chừng 500m, xuồng luồn lách, vật lộn với đám lục bình dày đặc như cố tình gây khó cho ai muốn tiếp cận vườn chim.

Khu du lịch Gáo Giồng 4 mùa hấp dẫn. Mùa đông se lạnh, mùa sinh sản chim đàn. Những cây ô môi rụng hết lá, chỉ còn tán hoa khoe sắc, bung nở hồng thắm cả trời đất, gọi xuân mang sắc vàng mai tươi rói, hòa với nắng ấm điệu đàng. Mùa xuân là mùa chim non trưởng thành, bắt đầu rời tổ. Mùa hè, nắng gắt, mưa nồng - mùa ong nhộn nhịp lấy mật như mở hội. Cả rừng tràm Gáo Giồng như một biển hoa trắng nhẹ ngào ngạt “hương thầm” mê hoặc. Gáo Giồng mùa nước nổi rực vàng bông điên điển, loài thân bụi mảnh mai mà kiên cường, không sợ ngập úng và gió bão. Mấy lung sen xanh điểm xuyết những cánh sen hồng phấn điệu đàng, những cánh súng tím nhạt lãng mạn. Có khi gặp cả bầy chim trích thư thả nhổ nõn cỏ năng tươi non, thi thoảng cao hứng xập xòe những vũ điệu cuộc sống. Ngắm chim phải bơi xuồng nhưng lượt về nên đi bộ, tản bộ trên con đường tre đẹp ngẩn ngơ. Lắng nghe tre thầm thì kể chuyện, đong đưa gió ngàn tình tự.

Khu du lịch Gáo Giồng có nhiều món ngon. Nổi tiếng nhất là cá lóc nướng trui cuốn lá sen non (còn gọi là bẹn sen). Phải ăn ở Gáo Giồng, do tự tay người Cao Lãnh chế biến mới đúng điệu. Cá lóc đồng vừa bắt, rửa sạch cho vào thau có sẵn muối hột đậy kín. Cá sẽ vùng vẫy và tự rửa sạch chất nhờn. Xỏ dọc thân cá bằng một cành tre tươi, rồi cắm thẳng phần đầu cá xuống đất, tủ lớp rơm khô đốt lửa nướng vừa tới. Quấn rơm vừa đủ để cháy hết rơm là cá chín đều, thơm nức mùi rạ. Hoặc cho cá cuộn lá sen “dậy thì” nướng trên than hồng, tốt nhất là than đước. Khi lá cháy hết cũng là lúc cá chín. Cá chín nhờ hơi nóng của lá sen còn tươi tỏa ra như hấp. Cách nướng này không làm da cá bị cháy khét như nướng trui. Khi ăn phải cuốn cá với lá sen non (thay cho bánh tráng), kèm với các loại rau ghém, bún, thịt ba rọi xắt mỏng, tôm tép lột... chấm nước mắm me Gáo Giồng thì quên cả đường về. Da cá vừa béo vừa giòn, thịt cá ngọt, thơm bùi, thoảng hương rạ, ruột cá đắng dịu, vị lá sen non chát nhẹ giúp tịnh tâm an thần, ăn một lần là nhớ, thêm lần nữa là ghiền.

Các món ngon khác như cơm gạo huyết rồng, hạt sen gói lá sen hấp, canh chua cá rô đồng nấu bông điên điển, chuột đồng (sóc tràm) nướng, rắn bông súng nướng mọi, ốc hấp tiêu, lẩu lươn cơm mẻ, mắm cá linh kho chấm rau dừa, canh cua rau kềm, cá trê vàng kho tiêu,... Thức uống có rượu mật ong tràm, nước sâm cỏ bắc giúp mát gan thông mật... Món nào cũng ngon, cũng lạ và quyến rũ. Thứ bảy và Chủ nhật cuối tuần là phiên chợ “Món ngon Đồng Tháp”, thơm nức mùi đồng quê. Mà toàn thực phẩm sạch, được chế biến chăm chút, khách khó mà cưỡng được. Khu du lịch Gáo Giồng chưa có dịch vụ lưu trú qua đêm nên việc ngắm chim về lúc hoàng hôn và tiễn chim đi kiếm ăn lúc bình minh hơi vất vả. Gáo Giồng cũng còn thiếu dịch vụ. Anh em thừa nhiệt tình nhưng còn lúng túng nghiệp vụ. Nếu được tiếp sức và truyền lửa, biết tận dụng mọi tiềm năng và đưa vào khai thác hiệu quả; Khu du lịch Gáo Giồng sẽ là mỏ vàng du lịch sinh thái, không chỉ của Đồng Tháp, mà cả miền Tây.

Khu du lịch Gáo Giồng, mỏ vàng sinh thái 2

Khu du lịch Gáo Giồng, mỏ vàng sinh thái 3

Khu du lịch Gáo Giồng, mỏ vàng sinh thái 4

Khu du lịch Gáo Giồng, mỏ vàng sinh thái 5


TTXT du lịch Đồng Tháp

Mục lục

Du lịch Đồng Tháp
          - Vườn quốc gia Tràm Chim
          - Làng hoa Sa Đéc
          - Khu du lịch Xẻo Quýt
          - Khu du lịch Gáo Giồng