Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật (Trung tâm cứu hộ, Vườn quốc gia Cát Tiên, huyện Tân Phú, Đồng Nai) đang chăm sóc 35 cá thể gấu, cho chúng tập cách sinh tồn trong môi trường hoang dã, sau đó thả về tự nhiên. Trong đó có 26 gấu ngựa và 9 gấu chó.
- Các cá thể gấu này là nạn nhân của những vụ săn bắt thú rừng, nuôi nhốt trái phép ở các tỉnh phía Nam. Ông Nguyễn Thế Việt - Phó giám đốc Trung tâm cứu hộ cho biết, "nhiều con gấu bị đứt chân do dính bẫy của thợ săn nên phải phẫu thuật, chăm sóc cẩn thận. Khi gấu bình phục, chúng tôi sẽ thả chúng về môi trường tự nhiên".
Theo cán bộ Vườn quốc gia Cát Tiên, mỗi cá thể gấu nặng 80-100 kg. Mỗi ngày, một con gấu ăn hết 4 kg trái cây, 3 kg cháo gạo, gần 0,5 lít mật ong... Hàng ngày, các cán bộ cho mật ong vào ống tre hoặc để lên những thân cây cao trong rừng (khu vực đã được bảo vệ bằng hệ thống hàng rào điện tử) để tập cho gấu cách kiếm ăn. "Trước khi thả về môi trường hoang dã, gấu phải có đầy đủ kỹ năng sinh tồn. Bài tập tìm kiếm thức ăn vô cùng quan trọng đối với những cá thể từng bị nuôi nhốt", một cán bộ kiểm lâm nói.
Trung tâm cứu hộ thiết lập hàng rào thép để đảm bảo an toàn cho cán bộ và du khách. Cùng với việc bảo vệ, phục hồi chức năng hoang dã cho gấu, nhà chức trách tổ chức cho du khách tham quan nơi này. Hệ thống hàng rào điện tử được đặt song song lưới ngăn cách để không cho gấu tiếp cận, tấn công người.
Ngoài gấu, Trung tâm còn tiếp nhận, cứu chữa cho nhiều loài động vật khác bị dính bẫy của thợ săn. Ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên cho biết, Trung tâm cứu hộ đang phục hồi chức năng cho một báo hoa, 2 cá sấu, 4 chim công, 30 cá thể vượn, cu li... Những động vật này sẽ được thả về môi trường tự nhiên khi chúng có đủ kỹ năng sinh tồn. Nhà chức trách sẽ gắn chíp điện tử để theo dõi hoạt động của từng cá thể khi thả chúng về rừng.
TTXT du lịch Đồng Nai