Sinh ra và lớn lên ở Điện Biên, mấy ai mà không rõ về cung đèo Pha Đin huyền thoại. Con đèo hùng vĩ và kiêu hãnh, nằm chơi vơi trên độ cao hơn nghìn mét so với mực nước biển và được mệnh danh là 1 trong “tứ đại đèo Tây Bắc”.
Nằm cách trung tâm TP Điện Biên Phủ hơn 80km, với vị thế án ngữ đầu tỉnh nối liền với tỉnh bạn Sơn La, đèo Pha Đin cũng là tuyến huyết mạch duy nhất để vào TP Điện Biên Phủ. Từ lâu, 2 tiếng Pha Đin đã in dấu trong lòng mỗi người con Điện Biên như là một niềm tự hào về ý nghĩa lịch sử và trân trọng giá trị cảnh quan, văn hóa.
Trong chuyến công tác cuối năm, chúng tôi chạy xe máy từ thành phố tới đèo Pha Đin. Sau gần 2 tiếng, những cung đèo uốn lượn đã hiện hữu trước mắt thì cũng là lúc trời đã hửng nắng xen lẫn với gió nhè nhẹ thổi mát dịu. Tầm 10h sáng đứng trên đỉnh đèo, một đoàn du khách đang say sưa chụp ảnh và thưởng ngoạn thắng cảnh thiên nhiên. Trong số đó, có một cựu chiến binh khá cao tuổi, trên ngực vẫn còn gắn những huân, huy chương, ghi dấu từ cuộc kháng chiến của dân tộc, khiến chúng tôi chú ý.
Hỏi chuyện được biết, ông tên là Lê Văn Cát, đã gần 80 tuổi, một cựu chiến binh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đóng tại đại đội 138, Tiểu đoàn 375 thuộc Đại đoàn 304. Sau kháng chiến, ông Cát cùng gia đình về sinh sống tại phường Quang Trung, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Thấm thoắt đã mấy chục năm, giờ ở tuổi xưa nay hiếm, ông mới có dịp cùng gia đình lên thăm lại chiến trường Điện Biên Phủ. Đứng trên đèo Pha Đin hùng vĩ và hiên ngang, ông Cát rưng rưng xúc động kể cho chúng tôi nghe câu chuyện từ hàng chục năm trước: “Ngày xưa, trên những cung đèo này, hàng nghìn chiến sỹ của đại đoàn chúng tôi đã hành quân tăng cường lực lượng cho chiến trường Điện Biên. Đằng sau là lực lượng hậu cần gánh thồ thực phẩm chất cao như núi. Đèo Pha Đin lúc đó là đường cũ nhỏ chưa bằng nửa đường bây giờ, nhiều dốc cao thăm thẳm và chênh vênh, nguy hiểm lắm, một bên là vực, chỉ sơ sẩy một chút có thể trượt xuống dưới bất cứ lúc nào. Vậy mà các chiến sỹ không hề sợ nan nguy, bảo nhau đồng lòng vượt đèo nguy hiểm trong khi còn thồ gánh nhiều lương thực, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ...”.
Trong con mắt của du khách thập phương đèo Pha Đin là 1 trong những cung đèo đẹp nhưng hiểm trở không chỉ bởi độ cao ngang trời, mà còn nhiều đoạn quanh co uốn lượn như tầng sóng trải dài, gấp gáp với những con dốc nghiêng trên 12 độ. Chinh phục đèo Pha Đin là thử thách đối với những tay lái ưa mạo hiểm. Hàng ngày, trên tuyến đường đèo, hàng trăm phương tiện vẫn lưu thông, nhưng với những ai lần đầu lên Điện Biên bằng đường bộ, thì sẽ không khỏi “chùn” tay đôi chút. Đó là tâm sự của anh Hà Văn Hùng (tỉnh Bắc Giang) một tài xế xe tải vừa dừng xe nghỉ ngơi ven đường. Anh Hùng nói: “Tôi chạy xe ra Bắc vào Nam, vượt khá nhiều cung đèo nhưng khi lên Điện Biên, chạy qua những đoạn cua tay áo của đèo Pha Đin, tôi vẫn sởn gai ốc”. Tuy thế, khi vượt qua những đoạn đường đèo nguy hiểm và trở thành bạn đường sau nhiều chuyến hàng, anh Hùng lại thấy phấn chấn như chiến thắng trong việc chinh phục gian nan. Mỗi chuyến đi qua đèo Pha Đin, anh Hùng và nhiều tài xế, hành khách đi đường thường dừng chân ở đoạn đỉnh giữa đèo, nhìn xuống lòng thung, nghe nắng gió rì rào xen lẫn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp.
Đèo Pha Đin nối liền giữa 2 tỉnh Sơn La - Điện Biên. Trên cả cung đèo, cuộc sống yên bình, vui vẻ, chứ không heo hút như nhiều người thường nghĩ khi nhắc về con đèo nguy hiểm trong “tứ đại đèo Tây Bắc”. Nhiều năm nay, nông dân các bản lân cận của xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La và người dân xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo cùng nhau đến bán nông sản, hàng hóa địa phương. Các mặt hàng củ, rau quả, hoa phong lan và vật nuôi được bày bán đều do bà con tăng gia sản xuất hoặc lấy từ rừng nên nhiều du khách sau khi dừng chân thưởng ngoạn, cũng chọn mua làm quà cho người thân.
Giờ đây bên cung đèo mọc lên những hàng cây xanh tốt do học sinh 2 tỉnh Sơn La - Điện Biên trồng. Còn dưới chân đèo cuộc sống đồng bào dân tộc ngày càng thay đổi, những nương ngô, cà phê xanh mướt trải dài. Ngay dưới chân đèo, là bản văn hóa Háng Tầu, xã Tỏa Tình. Bản không có người nghiện ma túy, không còn hộ nghèo, cuộc sống của đồng bào Mông nơi đây khá sung túc mà phần nhiều là nhờ con đèo Pha Đin. Kể với chúng tôi bằng niềm tự hào, già làng Giàng Thào Già, người uy tín bản Háng Tầu nói: “Nhờ có đèo Pha Đin, ngoài trồng trọt, chăn nuôi, bà con bản tôi mang các nông sản lên đèo buôn bán, thu nhập không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo, diện mạo cuộc sống và bản làng tôi đã thay da đổi thịt rồi”. Trong ý thức của người dân bản Háng Tầu và cũng như bao người sinh và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên, đèo Pha Đin mãi là niềm tự hào lớn. Niềm tự hào đó cũng ghi dấu trong lòng du khách thập phương mỗi khi nhớ về Điện Biên.
TTXT du lịch Điện Biên