Hiện ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé (Điện Biên) được giao quản lý 45.581ha rừng đặc dụng; trong đó: 4.309,89ha rừng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Đồng thời, quản lý 1.647ha rừng được quy hoạch rừng đặc dụng giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 tại 5 xã vùng đệm: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé, Nậm Kè. Thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn hệ sinh thái Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, hàng năm Ban Quản lý phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; các quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản; các quy định về phòng cháy chữa cháy rừng. Từ đầu năm đến nay, ban quản lý Khu bảo tồn Mường Nhé đã tổ chức tuyên truyền 26 buổi với 1.055 lượt người tham gia; tổ chức 5 lớp tập huấn về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho 100% các bản thuộc 5 xã vùng đệm.
Song song với công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chú trọng công tác tuần tra kiểm soát rừng và xử lý các trường hợp xâm phạm rừng trái phép. Hiện nay, Ban Quản lý có 1 Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn và 4 trạm quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng. Thực hiện kế hoạch của Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm và các trạm bảo vệ rừng đặc dụng chủ động phối hợp với lực lượng dân quân, bộ đội biên phòng, các cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng tổ chức tuần tra lâm phần khu bảo tồn. Từ đầu năm đến nay, trong quá trình tuần tra rừng, các đơn vị trực thuộc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã phát hiện, kịp thời ngăn chặn 20 đối tượng di cư tự do có ý định xâm nhập vào vùng lõi khu bảo tồn để phá rừng, khai thác lâm sản trái phép; phát hiện và tháo dỡ 3 lán dựng trái phép trong vùng lõi khu bảo tồn; tịch thu 4 khẩu súng tự chế bàn giao Công an huyện Mường Nhé. Hạt Kiểm lâm đã phát hiện, khởi tố 2 vụ vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng, thu 43,57m3 gỗ. Ban Quản lý Khu bảo tồn Mường Nhé phối hợp với chính quyền 5 xã vùng đệm kịp thời phát hiện, xử lý 3 vụ cháy rừng tại vùng đệm khu bảo tồn.
Ngoài bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chú trọng công tác phát triển, tăng độ che phủ của rừng. Ban đã thực hiện tốt chương trình hỗ trợ phát triển vùng đệm năm 2017 tại 25/26 bản thuộc 5 xã vùng đệm khu bảo tồn theo Quyết định số 24/QĐ-TTg, ngày 1/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020. Ban đã thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng và chi trả đầy đủ tiền dịch vụ môi trường rừng cho 43 cộng đồng, nhóm hộ thuộc 5 xã vùng đệm vừa giúp tăng thu nhập cho người dân vừa nâng cao vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đến nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã tiến hành giao khoán gần 29.200ha rừng và chi trả trên 29,5 tỷ đồng tiền dich vụ môi trường rừng cho các chủ rừng.
Ông Trần Xuân Tâm, Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Khó khăn, thách thức hiện nay là tình hình dân di cư tự do đến vùng đệm, vùng giáp ranh với khu bảo tồn ngày càng diễn biến phức tạp. Ngoài ra, những yếu tố khác như kinh phí đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cũng như sự hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và nghiên cứu khoa học trong khu bảo tồn còn hạn chế; lực lượng cán bộ làm công tác quản lý bảo vệ rừng còn thiếu... Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn Mường Nhé kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Mường Nhé sớm triển khai việc rà soát thu hồi đất theo Quyết định số 1199/QĐ-UBND ngày 27/9/2016 của UBND tỉnh về phê duyệt Dự án Rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm triển khai cắm mốc, biển báo phòng cháy chữa cháy rừng, mốc 3 loại rừng cấp 1, cấp 2 tại huyện Mường Nhé; UBND huyện Mường Nhé và các đơn vị liên quan sớm ổn định dân cư theo Đề án 79 và quy hoạch khu sản xuất, chăn thả gia súc cho người dân sống ngoài vùng đệm khu bảo tồn để Ban quản lý thực hiện quản lý, bảo vệ theo quy định.
TTXT du lịch Điện Biên