Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đã đề ra nhiệm vụ phát triển du lịch Đà Lạt chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015. Thời gian 5 năm không dài, nhưng cũng đủ để thành phố nhìn lại mình trong hành trình phát triển.
Đã có rất nhiều tranh luận xung quanh khái niệm du lịch chất lượng cao. Tuy nhiên, với một loại hình chịu sự chi phối mạnh mẽ về cả mặt tự nhiên, lẫn xã hội, thì mọi định nghĩa đều chỉ dừng lại ở mức tương đối. Song, tất cả các tranh luận đều hướng tới mục tiêu chung: phát triển du lịch Đà Lạt chất lượng cao đồng nghĩa với việc đáp ứng được những nhu cầu ngày càng cao của du khách và bắt kịp với những xu thế phát triển chung của thế giới.
Ông Nguyễn Quang Hải - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin TP Đà Lạt, cho biết: “Những năm qua, công tác tuyên truyền phát triển du lịch chất lượng cao đã được thành phố đẩy mạnh tới tận các phường, xã và cơ sở kinh doanh du lịch. Năm 2011, ngành du lịch Đà Lạt tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng phục vụ trên xe ô tô vận chuyển khách du lịch. Năm 2013, thành phố đẩy mạnh chương trình vận động các cơ sở kinh doanh du lịch tham gia chương trình “Nhãn hiệu xanh”. Đến năm 2014, nhiều “Điểm mua sắm chất lượng cao” đã được hình thành, hạn chế tối đa nạn “chặt chém” du khách. Thành phố đã tiến hành kêu gọi nhiều nhà đầu tư đến với Khu du lịch Đan Kia - Suối Vàng; hồ Tuyền Lâm, biến nơi này thành khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp... Toàn thành phố hiện có 678 cơ sở lưu trú với 11.655 phòng; trong đó, 218 khách sạn đạt chuẩn từ 1 đến 5 sao với 6.161 phòng. Đà Lạt đã củng cố và phát triển được vị thế của một thành phố hoa, liên tục là điểm dừng chân của các đoàn famtrip, đồng thời cũng là điểm đến của du lịch cộng đồng (homestay) vì nét văn hóa đa dạng của Đà Lạt...”.
Nếu như năm 2011, thành phố đón 2,7 triệu lượt khách, thì năm 2015, du lịch Đà Lạt thu hút 3,5 triệu lượt khách. Tuy nhiên, khách nội địa vẫn chiếm gần 90%. Mặc dù có nhiều lợi thế và đã “đi trước” trong phát triển du lịch, nhưng Đà Lạt vẫn “về sau” một số địa phương. Điển hình như khách quốc tế đến Nha Trang năm 2011 gấp hơn 2 lần so với Đà Lạt (Đà Lạt có 181.000 lượt khách quốc tế thì Nha Trang có 440.000 lượt). Hay như Đà Nẵng - một thành phố mới phát triển du lịch sau này, nhưng khách quốc tế đến Đà Nẵng năm 2011 là 500.000 lượt, gấp gần 3 lần so với Đà Lạt. Còn Phan Thiết với chính sách thu hút đầu tư có hiệu quả, đã thu hút lượng khách khá lớn. Khách châu Âu, mà chủ yếu là khách Nga đến Phan Thiết năm 2011 là trên 300.000 lượt, gần gấp đôi Đà Lạt. Những địa phương này đã biết khai thác thế mạnh riêng và tìm kiếm nguồn thị trường khách nước ngoài thích hợp. Còn Đà Lạt, nơi có những nét đặc trưng riêng biệt so với các tỉnh, thành lân cận cũng như cả nước, song những người làm du lịch ở đây vẫn đang loay hoay để giải bài toán thu hút khách quốc tế.
Mặc dù đã có nhiều chuyển biến hơn so với trước đây, song đóng góp của ngành du lịch Đà Lạt vào sự phát triển chung của thành phố vẫn còn khiêm tốn. Điều này do dịch vụ du lịch chất lượng cao phát triển còn chậm; chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng hấp dẫn du khách; các khu du lịch gần giống nhau, thiếu điểm nhấn; các dự án đầu tư vào du lịch còn dàn trải; các danh lam thắng cảnh dần xuống cấp; hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông còn nhiều hạn chế; nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch chất lượng cao...
Đà Lạt không thể “ngủ yên” trên lợi thế về tài nguyên du lịch sẵn có, hay chỉ có những bước đi chậm rãi. Trong khi ngành công nghiệp không khói của cả nước và thế giới đang phát triển không ngừng. Hiện nay, du lịch Đà Lạt đang định hướng phát triển thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng; là trung tâm du lịch văn hóa - sinh thái hàng đầu của Việt Nam và vươn tầm quốc tế.
Ông Nguyễn Vĩnh Phúc - Phó Chủ tịch UBND thành phố, cho biết: “Trong thời gian tới, ngành du lịch Đà Lạt sẽ hướng tới phát triển sản phẩm du lịch chủ lực; xác định đối tượng khách du lịch, thị trường cần đẩy mạnh xúc tiến quảng bá thu hút khách; công tác quy hoạch các khu, tuyến, điểm du lịch sẽ được tiến hành tổng thể, bài bản hơn, xác định những nét đặc trưng nổi bật để có sự đầu tư đúng đắn và xây dựng những sản phẩm du lịch chất lượng cao...”. Ông Phúc cho rằng: Muốn hướng tới phát triển du lịch Đà Lạt chất lượng cao và bền vững, ngoài trách nhiệm của các cấp, các ngành, thì mỗi người dân Đà Lạt cũng cần phải góp sức giữ gìn những cảnh quan thiên nhiên vốn có, nhất là cây xanh, để Đà Lạt đúng là “Phố trong rừng, rừng trong thành phố”. Các cơ sở kinh doanh du lịch và con người nơi đây cần giữ được hình ảnh người Đà Lạt thân thiện, văn minh, hiền hòa, mến khách. Về phía lãnh đạo thành phố sẽ rà soát lại các dự án đầu tư vào du lịch, mạnh dạn đề xuất giảm dần những dự án nhỏ có sự trùng lặp, đồng thời kêu gọi những dự án đầu tư lớn, để đủ sức tạo ra những sản phẩm du lịch có dấu ấn. Bên cạnh du lịch nghỉ dưỡng, cảnh quan, kiến trúc... Đà Lạt cần hướng tới phát triển sản phẩm du lịch đa dạng hơn nữa, như du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch canh nông, kết hợp với Khu dự trữ sinh quyển Langbiang để tổ chức thêm các tour du lịch khám phá. Đồng thời, các hình thức du lịch văn hóa, sinh thái, mở rộng không gian du lịch đến các xã vùng ven, củng cố hoạt động của phố đi bộ, du lịch về đêm... là những hướng mở trong hành trình mới.
Với những tiềm năng có sẵn và bề dày trong phát triển du lịch, Đà Lạt thực sự có một sức hút đối với du khách trong và ngoài nước. Nhưng hoạt động du lịch là một hoạt động đa ngành, liên quan đến nhiều lĩnh vực dưới sự điều hành thống nhất của chính quyền. Bởi vậy, thành phố ngàn hoa vẫn đang tiếp tục tiến hành nhiều hoạt động, đổi mới hơn nữa để nâng du lịch lên tầm vóc cao hơn, chinh phục mục tiêu phát triển du lịch Đà Lạt chất lượng cao.
TTXT du lịch Đà Lạt