Trên đỉnh Hòn Giao (cao gần 1.800m so với mực nước biển) ẩn chứa cả một “rừng rêu” đầy quyến rũ. Theo thông tin từ trung tâm nghiên cứu quốc tế rừng nhiệt đới, thuộc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà : Rừng ở Hòn Giao là một dạng rừng lùn đỉnh núi (pygmy forest), được hình thành bởi các đặc điểm khác biệt về khí hậu và thổ nhưỡng.
Tại đây, những cây gỗ thấp bé (cao chỉ khoảng 10 mét) mọc dày đặc với mật độ gần 4000 cây/ha so với 800-900 cây/ha ở những khu vực kế cận. Với lượng mưa lớn và độ ẩm cao quanh năm, rừng ở Hòn Giao xuất hiện đa dạng các loài rêu phong, với hơn 100 loài rêu gồm đầy đủ các nhóm rêu tản, rêu sừng và rêu thực. Có lẽ hiếm nơi nào mà rêu lại mọc nhiều và đẹp như ở đây. Cũng bởi vì thế mà những kiểm lâm, hướng dẫn viên tại Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, người bản địa vẫn gọi tên khu rừng trên đỉnh Hòn Giao với cái tên đầy hãnh diện là “rừng rêu”.
Giữa rừng rêu Hòn Giao ở Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, nắng xen qua kẽ lá, chiếu lấp lánh trên những đám rêu còn đọng chút sương đêm khiến những giọt nước như “phát sáng”. Rêu phủ những thân cây một lớp dày xanh mượt từ gốc lên đến ngọn. Trên các cây lớn nằm ngang, những sợi rêu dài rũ xuống như tấm mành cửa của thiên nhiên đầy thơ mộng. Được biết ở Nhật Bản, người dân xem việc ngắm rêu như một liệu pháp thư giãn hiệu quả, và trở thành một hoạt động ngoài trời được yêu thích.
Cũng tại khu vực này của hệ sinh thái Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có rất nhiều lan rừng sinh trưởng. Lan mọc chi chít quanh những thân cây lớn, bám trên những cành cây nhỏ, lan “rơi” cả trên những lối đi theo những cành cây mục... Vào độ tháng 2, tháng 3 hàng năm, trên nền xanh của cây rừng và của rêu là trăm ngàn những nhành hoa lan khoe sắc.
Cảnh sắc đặc biệt của rừng rêu Hòn Giao không dễ tìm thấy ở nơi khác. Nên nơi đây hoàn toàn có tiềm năng để trở thành điểm du lịch độc đáo. Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và các công ty lữ hành đã tiến hành những chuyến đi tiền trạm, khảo sát địa điểm này để đưa vào kế hoạch phát triển các tour du lịch mới, đồng thời xây dựng phương pháp khai thác hiệu quả để việc phát triển du lịch phải đi đôi với việc bảo tồn bền vững.
TTXT du lịch Đà Lạt