Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Côn Đảo đến năm 2030 xác định sẽ đưa Côn Đảo thành đảo du lịch sinh thái hàng đầu của khu vực. Tuy nhiên, giao thông đi lại khó khăn, thiếu nước, thiếu điện... đang là những trở ngại lớn cho du lịch Côn Đảo trong tương lai.
Ngành du lịch nhiều nỗi lo
Theo báo cáo của huyện Côn Đảo, từ năm 2009 đến nay, lượng khách du lịch Côn Đảo tăng bình quân 33%/năm, trong đó khách quốc tế tăng 22%/năm. Riêng 2015, Côn Đảo đã đón hơn 110 ngàn lượt khách, trong đó hơn 21 ngàn lượt khách quốc tế; tổng doanh thu du lịch đạt hơn 460 tỷ đồng, tăng hơn 60% so với cùng kỳ 2014. Đây là mức tăng ấn tượng, tuy nhiên theo Bộ VHTTDL, lượng khách đến Côn Đảo vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Ông Nguyễn Xuân Dũng, Giám đốc Ban Quản lý các KDL huyện Côn Đảo cho biết, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của du lịch Côn Đảo là chuyện đi lại. Đến Côn Đảo chỉ có đường hàng không và đường thủy. Về đường không, các chuyến bay ra Côn Đảo bắt đầu từ sân bay Tân Sơn Nhất (TP. Hồ Chí Minh), mỗi ngày có 6 chuyến bay nhưng máy bay nhỏ, chỉ đủ 60 khách/chuyến, vì thế việc mua vé khó khăn, giá vé cao (bình quân 1,7 triệu đồng/lượt). Về đường thủy, hiện chỉ có 2 tàu vận chuyển hành khách là Côn Đảo 09 và Côn Đảo 10 thuộc Ban Quản lý cảng Bến Đầm. Năng lực vận chuyển của 2 tàu này chỉ từ 150-250 khách.
Điện, nước cũng là nỗi lo của du lịch Côn Đảo. Vào mùa khô, Côn Đảo luôn ở trong tình cảnh thiếu nước ngọt. Nếu lượng khách tăng lên trong những năm tới, thì nguy cơ thiếu nước sẽ trầm trọng. Về việc cấp điện, nguồn điện chủ yếu của Côn Đảo là từ hệ thống máy phát điện diesel với tổng công suất thiết kế 7.190kW, công suất khả dụng 4.540kW. Ngoài ra, còn có nguồn điện năng lượng mặt trời, thuộc cụm nhà máy An Hội, công suất lắp đặt 36kW. Do hạn chế về nguồn cung cấp, những năm qua, lượng điện ở Côn Đảo không đủ cho sinh hoạt và sản xuất.
Cùng với điện nước, Côn Đảo còn thiếu lao động du lịch. Toàn đảo có 39 khách sạn nhà nghỉ nhưng chỉ có 600 lao động. Với lượng khách lên đến khoảng 110 ngàn lượt khách như hiện nay, số lao động đó chưa đủ đáp ứng nhu cầu, khiến các DN du lịch hoạt động khó khăn. Nếu theo đúng quy hoạch, tới năm 2020, du lịch Côn Đảo dự kiến đón hơn 180 ngàn lượt khách sẽ cần tới khoảng 5.200 lao động, gấp 9 lần hiện tại. Đó sẽ là khoảng trống khó lấp đầy.
Một vấn đề nữa là khoảng 90% lao động tại các cơ sở du lịch đến từ các tỉnh, thành khác. Do sống xa cách đất liền, lại gặp những hạn chế về điều kiện sinh hoạt nên không phải ai cũng gắn bó lâu dài với công việc, kể cả khi DN có nhiều chế độ đãi ngộ. Chẳng hạn, tại khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo, chưa tới 10% lao động đang làm việc tại đây là người dân địa phương. Ông Nguyễn Quốc Viên, Trưởng điều hành khách sạn Sài Gòn - Côn Đảo cho biết, bình quân lao động ở đây có mức thu nhập khoảng 8 triệu đồng/tháng. Khách sạn bố trí chỗ ở miễn phí, bao ăn ngày 3 bữa và có xe đưa đón hàng ngày nhưng vẫn chưa đủ sức hấp dẫn nhân viên gắn bó lâu dài.
Tìm các giải pháp tháo gỡ
Trước những khó khăn nêu trên, để đáp ứng điều kiện cho du lịch Côn Đảo phát triển, tỉnh đã có nhiều dự án hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông. Các cơ quan có liên quan và chính quyền địa phương cũng chủ động thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn về điện, nguồn nhân lực.
Về nguồn điện, vừa qua dự án nhà máy điện LNG đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư tại văn bản số 3965/UBND-VP ngày 10/6/2015, gồm các mục như kho chứa LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng), cầu cảng cho tàu chở LNG và nhà máy điện khí độc lập với công suất 18MW. Địa điểm đầu tư thuộc khu vực Hòn Trọc, Bến Đầm. Tổng vốn của dự án khoảng 45 triệu USD. Dự án nhà máy điện LNG do tổ hợp liên doanh gồm các công ty: GraviFloat AS - Na Uy (chuyên về đầu tư tài chính và công trình hàng hải), AsiaPower - Singapore (chuyên về phát điện) và BGrimm - Thái Lan (chuyên về phát điện) thực hiện.
Trước những khó khăn về giao thông, Ban quản lý Phát triển Côn Đảo đã đề xuất các phương án phát triển mạng lưới giao thông cho du lịch Côn Đảo như: mở rộng sân bay Côn Đảo, mở đường bay quốc tế đến Côn Đảo và tái lập lại đường bay Vũng Tàu - Côn Đảo. Về đầu tư tàu cao tốc ra Côn Đảo, tỉnh kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa và đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án “Tàu biển chở khách và hàng hóa sử dụng nhiên liệu LNG tuyến Vũng Tàu - Côn Đảo và ngược lại” của Công ty LMG Marin (Na Uy). Tàu cao tốc được thiết kế có thể chở 350 khách và 400 tấn hàng mỗi chuyến với chất lượng phục vụ theo tiêu chuẩn quốc tế. Thời gian trung bình của hải trình Vũng Tàu - Côn Đảo dự kiến khoảng 6 giờ, với giá vé khoảng 440.000 đồng/lượt.
Về nhân lực, huyện Côn Đảo đã mở nhiều lớp đào tạo hướng dẫn viên, thuyết minh viên, nghiệp vụ lễ tân, buồng phòng, pha chế... Huyện cũng đang định hướng hỗ trợ đào tạo chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang dịch vụ du lịch; tăng thêm các chính sách để thu hút nguồn nhân lực trình độ cao; thuê chuyên gia trong nước và quốc tế vào các vị trí then chốt... “Nhu cầu thiết yếu đối với nhân lực du lịch Côn Đảo là phải giỏi về nghiệp vụ, giỏi về ngoại ngữ để hướng tới phục vụ đối tượng khách quốc tế. Vì thế, các DN phải chủ động phương án đào tạo ngay từ bây giờ. Trong đó cần hướng tới đào tạo nhân lực tại chỗ, đồng thời có các chế độ đãi ngộ để thu hút những người trẻ gắn bó với nghề, khắc phục tính thời vụ trong hoạt động du lịch ở địa phương”, bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhấn mạnh tại buổi lễ Công bố quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Côn Đảo đến năm 2030.
Nhìn chung, việc khắc phục các khó khăn cho du lịch Côn Đảo đang được tỉnh đặc biệt quan tâm. Vấn đề đặt ra là các giải pháp phải sớm được triển khai, nhất là việc đầu tư xây dựng nhà máy phát điện, tàu cao tốc, phương án cung cấp nước ngọt. Ngoài ra, trong tầm nhìn dài hạn, Côn Đảo sẽ cần thêm nhiều dự án quy mô nữa nhằm tạo sự kết nối dễ dàng với đất liền, cải thiện điều kiện sinh hoạt của người dân, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
TTXT du lịch Vũng Tàu