Từ cầu cảng du lịch, sau 5 phút đi xuồng qua vịnh Bến Bèo, chúng tôi được Trạm phó Trạm Kiểm lâm Cát Dứa Đoàn Văn Bắc đưa ra Đảo khỉ Cát Bà (đảo Cát Dứa). Không khí trong lành, bãi cát trắng trải dài như dải lụa vắt ngang, chia đôi màu xanh của nước biển và của rừng cây trên đảo. Không gian tĩnh lặng cuối đông chợt xao động khi đàn khỉ xuất hiện, nhảy nhót rào rào trên các cành cây, tiến về phía đoàn khách. Một sự tình cờ mà như sắp đặt trước, chúng tôi được gặp những người gắn công việc, cuộc sống của mình với đàn khỉ trên đảo. Đó là ông Vũ Văn Định, 60 tuổi, 2 năm nay sống trên Đảo khỉ Cát Bà và anh Phạm Văn Tuyên, “ngày nào cũng ra đảo khỉ, trừ bão gió không thể ra được” như lời anh tâm sự.
Năm nay 39 tuổi, nhưng anh Phạm Văn Tuyên có cơ duyên gắn bó với hòn đảo này hơn 25 năm. Anh Tuyên cho biết, những ngày đầu anh ra Đảo khỉ Cát Bà, khỉ ở đây rất nhát, chưa dạn người, thường ở sâu trong các bụi cây và nếu thấy người là chạy, trốn. Thường chỉ thấy hai, ba con nhỏ, một vài con to thi thoảng ở bãi cát ven đảo, người và khỉ mới “vô tình” gặp nhau nhưng còn “lạ” nhau đến mức, khỉ thường ùa chạy khi thấy người.
Theo năm tháng, những chú khỉ ở Đảo khỉ Cát Bà ngày càng tinh nghịch, chạ người và gần gũi, thích đùa nghịch với khách du lịch. Ông Vũ Văn Định vừa gọi bầy khỉ lại gần vừa nói: bọn này cũng biết trêu chọc người ta lắm. Những nữ du khách thường là đối tượng khỉ tiếp cận, làm quen, lấy thức ăn, đồ uống từ họ. Một vị khách nữ sáp lại gần thì bị khỉ túm vạt váy trêu đùa và chỉ chịu buông ra khi cho chúng miếng bánh cô đang cầm trên tay. Có được “những đàn khỉ làm du lịch” một phần nhờ duy trì việc bảo vệ, để chúng tự do phát triển và trở thành một phần không thể thiếu trong hành trình khám phá Đảo khỉ Cát Bà của du khách. Nhiều khi ông Định và gia đình ăn cơm, đàn khỉ sán lại tiếp cận, bám víu đầu gối. Có điều bầy khỉ chỉ tiếp cận để lấy đồ ăn như bánh, nước ngọt..., chứ không có chuyện cướp đồ đạc khác. Đang trò chuyện với chúng tôi, anh Tuyên chạy ra giải thích với một vị khách trong đoàn do anh làm hướng dẫn tour khi thấy vị khách này bị khỉ lấy đồ ăn một cách bất ngờ làm giật mình. Anh Tuyên cho biết, nhiều lần chứng kiến cảnh này, dù bị khỉ phá phách đến mấy nhưng chưa khi nào thấy khách nước ngoài đánh lại khỉ, thậm chí luôn bảo vệ, bênh vực những chú khỉ tinh nghịch nếu ai có thái độ hành xử thô bạo.
Ông Định kể anh Tuyên từng cứu một con khỉ thoát trận đòn chí mạng. Con khỉ đó bị khỉ đầu đàn đánh cắn gây thương tích, anh Tuyên can thiệp, cho nó ăn, giúp nó khỏe dần lại. Từ đó nó bám theo anh Tuyên mỗi khi anh ra Đảo khỉ Cát Bà. Anh Tuyên tiếp cận dễ dàng, thân thiện với khỉ, đến nỗi khi đàn khỉ chạy về những cành cây xa khuất, anh vẫn có thể dùng ám hiệu để gọi chúng trở lại khu vực du khách tụ tập ở gần bãi cát. Anh hướng mắt về chú khỉ đầu đàn cho biết, đây là con khỉ “gấu nhất”, là “chúa đảo” đấy, không phải ai cũng gặp được nó đâu. Con khỉ già nhất trên đảo chừng hơn 20 tuổi trông móm mém, da và mặt mốc meo. Thế hệ thứ 3 là những chú khỉ non được sinh ra, tiếp nối các thế hệ trước để hôm nay, đàn khỉ khoảng 30 con khỏe mạnh, sẵn sàng làm bạn với khách du lịch mỗi ngày.
Anh Tuyên cho biết, khách du lịch khen Đảo khỉ Cát Bà quyến rũ, coi đây là một trong những điểm đến đẹp nhất của du lịch Cát Bà và hầu như đoàn khách nào đến Cát Bà cũng muốn đến đảo Khỉ để thăm thú, tắm biển, lên đỉnh đảo ngắm toàn cảnh vịnh Lan Hạ, một phần vịnh Hạ Long. Ngày nào không ra đảo, anh thấy nhớ nơi này, nhớ đàn khỉ. Anh cho biết tiếp tục gắn bó với đảo và làm bạn với đàn khỉ trên đảo, giới thiệu về vẻ đẹp, giá trị thiên nhiên, độc đáo của Đảo khỉ Cát Bà với du khách.
TTXT du lịch Cát Bà