Ngày 30/9, Đoàn chuyên gia Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) tiếp tục khảo sát thực địa lần thứ 2 tại Vườn quốc gia Cát Bà nhằm thẩm định hồ sơ trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Đại diện các sở, ngành liên quan, các chuyên gia tham dự khảo sát thực địa.
Qua khảo sát toàn tuyến đường giáo dục môi trường, đường xuyên rừng và đến khu vực Ao Ếch, đoàn chuyên gia IUCN đánh giá cao công tác quản lý, bảo tồn Vườn quốc gia Cát Bà của các cấp, ngành thành phố và cộng đồng địa phương. Hầu hết các giá trị tài nguyên đều được giữ nguyên sơ, môi trường sinh thái trong lành. Việc bảo tồn Vườn quốc gia Cát Bà dựa trên các điều luật quốc gia và các quy định địa phương, phù hợp yêu cầu thực tế. Đây là những điều kiện thuận lợi cho quá trình thẩm định hồ sơ trình UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới.
Vườn quốc gia Cát Bà vốn là một vùng núi non hiểm trở với kiểu rừng mưa nhiệt đới là chủ đạo, bên cạnh một số kiểu rừng phụ như: rừng trên núi đá vôi, rừng ngập mặn ven đảo, rừng ngập nước ngọt trên núi. Vườn quốc gia Cát Bà có hàng nghìn loài động, thực vật khác nhau, trong đó có nhiều loại cây gỗ quý, thú hiếm, chim, bò sát và lưỡng cư, ếch nhái... Đặc biệt loài voọc Cát Bà đặc hữu, một trong những loài động vật quý hiếm của thế giới, hiện chỉ có ở Cát Bà. Ngoài ra, Vườn có nhiều loài động vật phù du, cá biển, san hô...
Các chuyên gia IUCN cũng chia sẻ một số kinh nghiệm bảo tồn Vườn quốc gia, các loài động, thực vật quý hiếm ở một số quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng như thành phố Hải Phòng có thể học tập kinh nghiệm bảo tồn từ các quốc gia này, và áp dụng linh hoạt, phù hợp với điều kiện Vườn quốc gia Cát Bà và thực tế địa phương.
TTXT du lịch Cát Bà