Địa điểm du lịch Kênh gym

Vườn quốc gia Cát Bà, bảo tồn loài voọc Cát Bà

09/11/2015 - 5093 view
Vườn quốc gia Cát Bà, bảo tồn loài voọc Cát Bà

Theo thống kê, những năm 60 của thế kỷ 20, voọc Cát Bà là một trong những loài động vật có số lượng lớn nhất Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà với vùng lõi là Vườn quốc gia Cát Bà, gồm khoảng 2400 đến 2700 cá thể. Tuy nhiên, do nạn săn bắt, số lượng loài này suy giảm nghiêm trọng. Năm 1999, hai tổ chức của CHLB Đức là Hội động vật về bảo tồn loài và quần thể (ZGAP) và Vườn thú Münster triển khai chương trình bảo tồn dành riêng cho voọc Cát Bà. Dự án Bảo tồn voọc Cát Bà ra đời tháng 10/2000 khi số lượng voọc Cát Bà còn sống sót giảm xuống đến mức báo động, khoảng 40 đến 50 cá thể. Với số lượng này, voọc Cát Bà “vượt qua” đười ươi Sumatra, trở thành loài linh trưởng hiếm nhất thế giới.

Voọc Cát Bà có tên khoa học Trachypithecus poliocephalus poliocephalus, là loài linh trưởng (khỉ ăn lá) quý hiếm, tồn tại duy nhất trên quần đảo Cát Bà với vùng lõi là Vườn quốc gia Cát Bà. Loài này nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Ngăn chặn vấn nạn săn bắt trở thành mục tiêu đầu tiên và cấp bách nhất của dự án trong thời gian đầu thành lập. Để đạt mục tiêu này, các hoạt động của dự án chủ yếu tập trung vào việc giám sát chặt chẽ số lượng voọc còn lại, thực hiện khảo sát về vùng sống của voọc Cát Bà; trên cơ sở đó lập kế hoạch, biện pháp bảo tồn chặt chẽ cho từng con voọc; nâng cao nhận thức của cộng đồng, năng lực của cán bộ kiểm lâm Vườn quốc gia Cát Bà.

Số liệu khảo sát cho thấy, có ít nhất 32 cá thể, chiếm 50% số voọc, thuộc những đàn lớn nhất hiện đang sinh sống trong khu bảo tồn nghiêm ngặt của Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà. Vì vậy, Dự án thiết lập khu vực dành riêng cho voọc Cát Bà từ năm 2002, do hai trạm kiểm lâm của Vườn quốc gia Cát Bà là trạm Vạn Tà và trạm nổi trên biển Giỏ Cùng bảo vệ. Ngoài ra, công việc giám sát trông coi đàn voọc được tăng cường, có sự tham gia của các hộ dân địa phương nhiệt tình hỗ trợ nhiệm vụ của cán bộ kiểm lâm. Một số gia đình tự nguyện di chuyển bè nổi của mình tới các khu vực xa xôi của đảo để trông coi, kiểm soát một diện tích rộng lớn thuộc khu bảo tồn voọc nghiêm ngặt.

Ngoài việc hợp tác chặt chẽ với lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Cát Bà, những hoạt động bảo vệ dựa vào cộng đồng khác cũng luôn được quan tâm trong suốt quá trình thực hiện dự án. Với mong muốn tạo kết quả bền vững trong công tác bảo tồn voọc Cát Bà, các hoạt động thu hút người dân địa phương tham gia bảo vệ rừng, bảo vệ động vật hoang dã và tuyên truyền cho chính cộng đồng về tầm quan trọng của mục tiêu này được tăng cường. Dự án thực hiện hai chương trình “Người gác voọc” và Câu lạc bộ bảo vệ rừng ở các xã trên đảo Cát Bà.

Với dẫn dắt của Vườn quốc gia Cát Bà, chương trình “Người gác voọc” có sự tham gia của những người dân địa phương, sống ở những khu vực gần nhất với những nơi có voọc sinh sống. Tận mắt chứng kiến sự suy giảm nhanh chóng của loài vật đáng yêu này, họ trở thành những người trông coi voọc tận tâm, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhiều người về công tác bảo vệ voọc, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Thành viên của các Câu lạc bộ bảo vệ rừng ở các xã Gia Luận, Trân Châu và Việt Hải thường xuyên tuần tra, bảo vệ những khu vực rừng chung quanh thôn xóm mình, nơi các loài động vật hoang dã đang phải chịu áp lực lớn nhất. Nhiều năm qua, các nhóm bảo vệ rừng thực hiện hàng nghìn cuộc tuần tra rừng, tịch thu phá hủy một số lượng lớn bẫy các loại, và thả thành công nhiều động vật hoang dã bị đánh bẫy, đồng thời cũng thực hiện những buổi tuyên truyền, thuyết phục mọi người trong cộng đồng không đi săn bắt và cùng tham gia bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, từ năm 2010-2011, Dự án Bảo tồn voọc Cát Bà phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cát Hải thực hiện chương trình Câu lạc bộ Bảo tồn Cát Bà dành cho các em học sinh lớp 6-7 ở 7 trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện Cát Hải. Qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền môi trường sinh thái, giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, nhất là loài đặc hữu voọc Cát Bà cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Những nỗ lực này giúp ngăn chặn nạn săn bắt và lần đầu trong nhiều thập niên, quần thể voọc Cát Bà duy nhất của thế giới đã tăng trưởng trở lại từ năm 2003. Tuy nhiên, sự tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu đề ra. Nguyên nhân do quần thể voọc Cát Bà nhỏ, bị chia cắt về địa lý, chu kỳ sinh sản tương đối chậm (con cái trong độ tuổi sinh sản chỉ sinh một con theo chu kỳ từ 2 đến 3 năm). Và những thách thức đối với Dự án Bảo tồn voọc còn hiện hữu khi nhận thức của không ít người dân về bảo vệ thiên nhiên ở đảo Cát Bà vẫn thấp; nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã diễn biến phức tạp, mà rất có thể loài voọc trở thành nạn nhân. Vì vậy, để loài voọc Cát Bà sinh trưởng và phát triển, ngoài nổ lực của Vườn quốc gia Cát Bà cùng các đơn vị hữu quan, rất cần sự chung tay của các cấp chính quyền và đặc biệt là người dân địa phương.

Theo cán bộ Vườn quốc gia Cát Bà, từ khi có Dự án bảo tồn voọc Cát Bà, số lượng voọc con sinh ra đạt kỷ lục, khoảng 24 con. Đặc biệt từ năm 2014 đến nay có 16 con voọc được sinh ra, 13 con sống sót, nâng tổng số cá thể voọc Cát Bà lên khoảng 70 cá thể, mang đến những hy vọng về một quần thể voọc phục hồi trong tương lai.

Vườn quốc gia Cát Bà, bảo tồn loài voọc Cát Bà 2


TTXT du lịch Cát Bà

Mục lục

Du lịch Cát Bà
     1) Đảo Cát Bà
              - Các bãi biển ở Cát Bà
              - Pháo đài Thần Công
              - Vườn quốc gia Cát Bà
              - Các hang động ở Cát Bà
     2) Quanh đảo Cát Bà
              - Vịnh Lan Hạ
              - Đảo khỉ Cát Bà