Địa điểm du lịch Kênh gym

Đình Bình Thủy với tín ngưỡng thờ cọp

26/03/2016 - 3278 view
Đình Bình Thủy với tín ngưỡng thờ cọp

Ở Đình Bình Thủy (Cần Thơ) hiện có hai khu vực thờ cọp. Một tại khuôn viên đình, cọp được thờ trong miếu. Một ở chánh tẩm, cọp được thờ bởi bộ da. Đây là trường hợp đặc biệt ít thấy trong các ngôi đình Nam Bộ. Bộ da cọp thờ trong chánh tẩm Đình Bình Thủy được cúng bằng vật phẩm tam sên; còn miếu thờ cọp được cúng bằng một con heo trắng và xôi bánh trong các dịp Kỳ Yên.

Ngay từ buổi đầu đến vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long, các bậc tiền nhân đã phải đối mặt với rừng rậm hoang vu đầy thú dữ. Trong đó, cọp trên bờ và sấu dưới sông là hai loài vật nguy hiểm nhất, để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm thức của người dân Nam Bộ: “Cà Mau khỉ khọt trên bưng/ Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp um”.

Ở châu thổ Cửu Long, vào thế kỷ XVII - XVIII, cọp nhiều vô kể, sống rải rác khắp nơi, ở các cánh rừng ngập mặn tại các cửa của sông Tiền, sông Hậu, kể cả những nơi đã được khai hoang khá sớm, như Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long... Thức ăn chủ yếu của cọp là heo rừng, nai và các loài ăn cỏ khác. Dần dần, thú mồi của cọp tìm cách lẩn tránh, tản sang các địa bàn khác cư trú. Thức ăn của cọp ngày càng trở nên khan hiếm. Vì lẽ đó, cọp mò về những nơi có dân cư sinh sống để tìm người ăn thịt. Chính vì quá khiếp sợ nên ai cũng tìm cách diệt cọp. Nhưng khi diệt cọp xong, người ta lại lập miếu thờ. Điều này cho thấy sự phức tạp trong tâm lý của các lưu dân và đồng thời cũng cho thấy tín ngưỡng thờ cọp đã có từ buổi đầu khai hoang, lập ấp.

Thời kỳ này, sự tương quan giữa con người và tự nhiên - nói riêng ở đây là giữa người và cọp, còn chưa nghiêng hẳn về bên nào nên những lưu dân tiên phong một mặt sợ cọp và mặt khác, phải diệt cọp để làm chủ vùng đất mới. Sự phức tạp trong tâm thức của họ do sự mâu thuẫn giữa đòi hỏi tất yếu của lịch sử và việc chưa đủ khả năng thực tế để thỏa mãn những đòi hỏi ấy. Do sợ cọp mà họ lập miếu thờ Sơn quân chi thần, thờ Chúa xứ sơn lâm, thờ Thần Hổ và bầu cọp làm Hương Cả của thôn làng. Do vậy mô típ Ông Cả Cọp là một mẫu đề dân gian được hình thành từ tâm thức tôn trọng lề luật giang hồ: chúng tôi đến đây khai hoang lập nghiệp, nhưng chúng tôi biết rừng nào cọp ấy nên không dám xưng hùng xưng bá. Chúng tôi lập nghiệp ở đây, xin ông cứ làm cả, làm chủ và chúng tôi chỉ dám là bậc dưới của ông mà thôi - Huỳnh Ngọc Trảng (1998), Truyện kể về cọp ở Nam Bộ, Kiến thức ngày nay số ra ngày 01/01.

Tuy nhiên, đối với người dân Cần Thơ nói chung, dân làng khu vực Đình Bình Thủy nói riêng, cọp - đặc biệt là cọp bạch, không phải là con vật gây hại mà trái lại cọp giúp người bảo vệ mùa màng, giữ gìn cuộc sống bình an cho người. Các giai thoại về cọp được sưu tầm ở Cần Thơ đều phản ánh rõ tâm thức này. Trong cuốn Đình thần Long Tuyền, ông Nguyễn Tứ Di lý giải việc lập miếu thờ thần Bạch Hổ trong khuôn viên đình Long Tuyền như sau: Đời xưa, đầu năm cấm việc phá rừng hay làm ruộng trong 7 ngày tết. Tục lệ cấm nhặt, không ai được phép đốn một nhánh cây để cho yên tịnh rừng núi. Người xưa tin rằng trong 7 ngày tết, Thần Bạch Hổ bảo vệ dân làng, giữ gìn bờ cõi, không cho heo, nai phá hoại mùa màng. Nhớ ơn ân huệ ấy, dân làng cất miễu sơn quân thờ thần Bạch Hổ. Di tích đến nay hãy còn - Nguyễn Tứ Di (1973), Đình thần Long Tuyền, Tài liệu in roneo, tr.5.

Có ý kiến còn cho rằng, vị Thành Hoàng làng được thờ ở Đình Bình Thủy chính là ông Cọp và Đình Bình Thủy hiện nay là được nâng cấp lên từ miếu cổ Long Tuyền thờ thần Hổ. Giai thoại kể rằng: Ngày xưa, ở vùng này có một con cọp tu lâu năm, tánh linh như người. Ở vàm ngã tư có một phụ nữ tên Bé sống một mình. Chồng đăng lính triều Nguyễn đi trấn giữ vùng biên cương Cao Miên. Trước khi chia tay vợ, người lính đốt hương đứng trước một gốc đại thụ khấn xin Thành Hoàng, thổ địa bảo trợ người vợ trẻ để ông ta yên tâm làm nhiệm vụ với đất nước. Một con cọp đã tu lâu năm, tính hiền, nấp sau gốc đại thụ nghe lời khấn. Một đêm nọ, con cọp nghe tiếng bà vợ rên rỉ đau bụng chuyển dạ sinh con đã chạy thẳng đến nhà một bà mụ. Bà mụ đang ngủ mơ màng, mở mắt ra trông thấy con cọp sợ quá ngất xỉu. Cọp tha bà mụ đến tận cửa nhà bà Bé. Khi tỉnh dậy, bà mụ quáng quàng chạy vào nhà bà Bé và phát hiện bà Bé cần cứu giúp. Bà mụ đã giúp bà Bé vượt cạn thành công trong cơn thập tử nhất sinh. Sáng sớm hôm sau, khi mở cửa ra, bà mụ đã trông thấy một con heo rừng nằm chết trong sân. Trên thân heo đầy vết móng cọp. Sực nhớ diễn biến đêm qua, bà mụ biết, con cọp đã bắt heo trả lễ. Cho rằng đó là hổ thần bảo vệ dân làng, bà mụ và bà Bé cùng dựng một ngôi miếu để thờ Thần Hổ. Ngoài ra, cư dân địa phương còn truyền tụng rất nhiều giai thoại khác liên quan đến việc Thần Hổ cứu người khi gặp hoạn nạn. Khi hổ chết, dân làng tiếc thương lấy thi thể làm tượng cốt đặt trong miếu thờ - Nông Huyền Sơn (2016), Giai thoại về bộ cốt “Ông Cả Cọp” ở Đình Bình Thủy, An Ninh Thế Giới Online. Ngày truy cập 25/02.

Tựu lại, tín ngưỡng thờ cọp là tín ngưỡng dân gian của người dân ĐBSCL nói chung, dân làng khu vực Đình Bình Thủy nói riêng, nhằm mục đích tạo niềm tin cho con người trong buổi đầu khai hoang mở cõi. Đồng thời, tín ngưỡng thờ cọp còn thể hiện nét đẹp của con người trong việc ứng xử với tự nhiên: tôn trọng tự nhiên và đối xử với tự nhiên như đối xử với con người mà giai thoại về Ông Cả Cọp ở Đình Bình Thủy đã chứng minh cho đạo lý này.

TTXT du lịch Cần Thơ

Mục lục

Du lịch Cần Thơ
          - Chợ nổi Cái Răng
          - Vườn cò Bằng Lăng
          - Bến Ninh Kiều
          - Chùa Ông Cần Thơ
          - Chùa Nam Nhã
          - Đình Bình Thủy