Vườn quốc gia Bù Gia Mập có diện tích 25.926ha, nằm trên địa bàn hai xã Đắk Ơ và Bù Gia Mập. Vườn là nơi cư trú của nhiều loài động-thực vật quý hiếm. Nhờ làm tốt giao khoán, bảo vệ nên tình trạng lấn chiếm đất rừng và khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép ở vườn đã giảm đáng kể. Cộng đồng, đơn vị nhận khoán, trong đó chủ yếu là lực lượng đoàn viên, thanh niên đã thể hiện vai trò, trách nhiệm trong tuần tra, kịp thời phát hiện và ngăn chặn mọi hành vi xâm hại rừng.
Tự nguyện tham gia bảo vệ rừng
Hiện Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập đã giao khoán gần 25.000ha rừng cho 9 cộng đồng các xã Bù Gia Mập, Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập; xã Quảng Trực (tỉnh Đắk Nông) và 4 đồn biên phòng nằm trong vùng đệm. Các cộng đồng lập chốt tại khu vực được nhận khoán hoặc ở cùng với trạm kiểm lâm để tổ chức tuần tra bảo vệ rừng. Mấy năm gần đây, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số đã hăng hái xung phong vào các tổ nhận khoán. Từ đó, lực lượng nhận khoán được trẻ hóa (2/3 thành viên trong cộng đồng có độ tuổi từ 17-35) đảm bảo sức khỏe, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Trạm kiểm lâm số 3 của Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng cũng là nơi đứng chân của cộng đồng nhận khoán thôn Bù Lư, xã Bù Gia Mập. Chia làm 3 tổ với 21 đoàn viên, thanh niên dân tộc thiểu số, cộng đồng bảo vệ 2.071 ha rừng. Mỗi tổ gồm 7 thành viên, chia làm 3 ca trực/tháng.
Để chuẩn bị đợt tuần tra 2 ngày cùng lực lượng kiểm lâm tại Tiểu khu 12, thành viên tổ 1 thức dậy từ 5 giờ sáng. Hành trang ngoài vật dụng sinh hoạt cần thiết, xoong, gạo nấu ăn, các anh còn được Ban quản lý Vườn quốc gia Bù Gia Mập trang bị thêm còng số 8, gậy cao su. Đúng 7 giờ 30 phút sáng, đoàn xuất phát. Mùa mưa nên đường khó đi, lại có rất nhiều vắt. Quen thuộc địa hình và có kỹ năng đi rừng nên Điểu Hưng (SN 1995) dễ dàng vượt qua. Trước đây, gia đình không có đất sản xuất, Hưng theo cha mẹ vào rừng bẻ măng, hái nấm linh chi, lá nhíp, đọt mây, đánh bắt cá... Sau này, được chính quyền cùng đoàn thanh niên tuyên truyền, phân tích lợi ích của rừng mang lại, Hưng xin cha mẹ tham gia vào tổ nhận khoán bảo vệ rừng, đồng thời vận động người dân trong thôn không xâm phạm rừng.
Trong mỗi đợt tuần tra, cán bộ của Vườn quốc gia Bù Gia Mập và hạt kiểm lâm thường xuyên tuyên truyền về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nên thành viên cộng đồng nhận khoán có ý thức cao trong giữ rừng. Điểu Dương (SN 1998) thay cha đã lớn tuổi tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ rừng. Anh trai của Dương là Điểu Hồng cũng tham gia cộng đồng nhận khoán bảo vệ rừng thôn Bù Rên. “Rừng nuôi mình nên phải bảo vệ” - anh Dương nói.
Phối hợp lập công
Lực lượng nhận khoán bảo vệ rừng đã hỗ trợ đắc lực cho kiểm lâm trong quản lý bảo vệ rừng, phối hợp tuần tra phát hiện, bắt giữ và xử lý nhiều trường hợp xâm phạm rừng nghiêm trọng. Tháng 7 vừa qua, tại Tiểu khu 20, Tổ kiểm lâm cơ động phối hợp với cộng đồng nhận khoán thôn Bù Lư đã mật phục, bắt đối tượng Nguyễn Văn Hưng (SN 1971), thường trú thôn 2 Bù Khơn, xã Đắk Ơ về hành vi săn bắn động vật hoang dã trái phép. Tại thời điểm bắt giữ, đối tượng Hưng mang theo một súng săn tự chế, một bao đạn và 9 viên đạn hoa cải. Trong quá trình vây bắt, đối tượng đã bỏ chạy sâu vào rừng 1km. Tổ công tác đã kiên trì truy đuổi bắt được và giao Hạt kiểm lâm của Vườn quốc gia Bù Gia Mập xử lý.
Năm 2014, cộng đồng nhận khoán các thôn Bù Dốt, Bù Rên, Bù Lư, thôn 8 (xã Bù Gia Mập); cộng đồng Bon Bu Prăng 1, Bon Bu Prăng 2, dân quân du kích xã Quảng Trực, tỉnh Đắk Nông; cộng đồng thôn 3, dân quân du kích thôn 3 (xã Đắk Ơ) phối hợp lực lượng kiểm lâm địa bàn bắt được 59 đối tượng xâm nhập rừng trái phép giao hạt xử lý; phá hủy 10 luồng bẫy, thu hồi hàng trăm dây bẫy các loại; bắt khối lượng lớn gỗ thả bè qua suối Đắk Mai (xã Bù Gia Mập); giao hạt kiểm lâm nhiều cá thể động vật, như: tê tê, chim, gà rừng, heo rừng...
Lợi ích kép
Người dân trong vùng đệm Vườn quốc gia Bù Gia Mập đa số là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn. Trước đây, một số người thường xuyên vào rừng khai thác trái phép nguồn lợi từ rừng, ảnh hưởng lớn đến việc quản lý. Do hạn chế về trình độ, thiếu đất sản xuất, nhiều thanh niên coi săn bắn động vật hoang dã trái phép, khai thác rừng là công việc đem lại thu nhập chính. Thực hiện nhận khoán đã giúp người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng, đồng thời giúp các cộng đồng có thêm nguồn thu ổn định.
Ông Vương Đức Hòa, Phó giám đốc Vườn quốc gia Bù Gia Mập cho biết, mỗi cộng đồng nhận khoán bảo vệ từ 1.700-2.000 ha rừng (từ 18-26 người tham gia) với định mức giao khoán hiện tại là 250 ngàn đồng/ha/năm. Sau khi trừ tiền ăn và nhiên liệu, thành viên nhận khoán thu nhập từ 1,7-2 triệu đồng/tháng. Qua đây, tạo tiền đề cho người dân vùng đệm tiếp tục phát triển nguồn lợi từ rừng để góp phần thoát nghèo bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái và xây dựng nông thôn mới. Theo ông Hòa, Ban quản lý vườn đã lên kế hoạch cho năm 2015 và các năm tiếp theo. Nhưng để tăng số hộ nhận khoán mà vẫn đảm bảo thu nhập cho họ, trong khi diện tích giao khoán không tăng chỉ còn một cách là tăng mức tiền giao khoán bảo vệ rừng lên khoảng 400 ngàn đồng/ha/năm.
TTXT du lịch Bình Phước