Nằm cách trung tâm Thành phố Bến Tre khoảng 40km về hướng Tây Bắc, huyện Chợ Lách nổi tiếng với nghề sản xuất cây giống, trái cây và hoa kiểng. Tuy nhiên, cùng với phát triển thế mạnh kinh tế vườn, thời gian qua, du lịch Chợ Lách chưa khai thác hết tiềm năng, thế mạnh của du lịch miệt vườn vốn đang được du khách ưa thích.
Từ du lịch sông nước, miệt vườn
Từ TP Bến Tre, theo Quốc lộ 57 đến hết địa bàn huyện Mỏ Cày Bắc, du khách bắt đầu vào địa phận huyện Chợ Lách. Loại hình du lịch đầu tiên mà du khách tham gia là du lịch trải nghiệm, được cùng với nghệ nhân địa phương uốn, sửa kiểng. Ông Nguyễn Văn Công ở ấp Phú Long, xã Hưng Khánh Trung B cho biết: “Ban đầu cơ sở của ông chỉ sản xuất kiểng thú (12 con giáp) để phục vụ thị trường trong nước. Hiện sản phẩm kiểng thú của ông đã xuất đi nước ngoài và cơ sở trở thành điểm tham quan du lịch. Mỗi ngày, cơ sở đều có khách du lịch Chợ Lách đến tham quan, đa phần là khách trong nước. Ngoài hướng dẫn khách tham quan, ông còn chỉ dẫn khách uốn, sửa kiểng để trải nghiệm, có sự chia sẻ với nỗi vất vả cũng như sự khéo léo, niềm đam mê của nghệ nhân sản xuất kiểng thú. Nhờ cho khách tham quan, cơ sở của ông có thêm điều kiện tiêu thụ sản phẩm”.
Đến xã Vĩnh Thành - “cái nôi” hay “vương quốc” sản xuất cây giống, trái cây, hoa kiểng Cái Mơn - như cách người ta thường gọi. Từ lâu, Quốc lộ 57 đi ngang địa phận xã Vĩnh Thành trở thành đường hoa kiểng. Bởi đoạn đường dài khoảng 2km này luôn nhộn nhịp mua bán hoa kiểng với hình thức: mua lẻ vài chậu hoa, kiểng bonsai; mua sỉ (hoa kiểng chất đầy xe tải). Bà Đặng Thị Nguyệt ở quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Ở đây có nhiều loại hoa treo rất đẹp như: thu hải đường, mắt huyền, thanh tú, ngũ sắc, thúy điệp, phong lữ... Mỗi lần đi du lịch Chợ Lách, tôi đều ghé vào đây mua vài chậu hoa về treo cho đẹp nhà”.
Không chỉ có hoa kiểng, các vườn trái cây ở Chợ Lách luôn chào đón du khách. Điển hình là vườn chôm chôm của ông Nguyễn Văn Bảy ở ấp Chợ, xã Phú Phụng. “Vườn chôm chôm của tôi khoảng 10 công, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Tôi đã áp dụng xiết nước, đậy liếp để chôm chôm ra trái rải vụ nên khách du lịch Chợ Lách có thể thường xuyên đến tham quan, hái trái. Được tự tay hái trái là điều thú vị đối với du khách, nhất là người nước ngoài” - ông Bảy nói.
Đến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng
Đến du lịch Chợ Lách, du khách có thể tham quan du lịch sinh thái. Huyện hiện có 19 điểm để du khách lựa chọn, trong đó có điểm du lịch sinh thái của ông Trần Văn Tặng (Ba Ngói) ở xã Vĩnh Bình, nằm bên cạnh dòng Cổ Chiên, là nơi có khu bảo tồn ốc gạo của tỉnh. Tại đây, vào dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5 âm lịch) có trên 1.000 lượt du khách đến thưởng thức bánh xèo hến nổi tiếng. Bánh xèo hến ở đây do ông Ba Ngói sáng chế, từng đạt giải tại Liên hoan ẩm thực ở Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ... “Tôi thành lập điểm du lịch này từ năm 2005. Những năm gần đây, vào dịp tết Đoan ngọ, Ngày hội Cây - trái ngon an toàn, mỗi ngày tôi tiêu thụ 30 - 40kg hến ruột để làm bánh xèo. Nguồn hến lấy từ sông Cổ Chiên, sông Tiền và trong kênh rạch ở Chợ Lách nên rất an toàn” - ông Tặng niềm nở giới thiệu.
Cùng với du lịch sinh thái là du lịch nghỉ dưỡng. Nổi bật là điểm du lịch Việt Hải ở ấp Vĩnh Hưng II, xã Vĩnh Thành do bà Lê Thị Thu Nguyệt làm chủ. Tận dụng vườn cây ăn trái 8.000m2 (sầu riêng, măng cụt, bòn bon) sản xuất cây giống, hoa kiểng, bà Thu Nguyệt xây dựng thành khu du lịch cho du khách nghỉ qua đêm (homestay). Hàng năm, nơi đây đón khoảng 600 lượt du khách nước ngoài, 500 lượt khách trong nước đến du lịch Chợ Lách. Việt Hải được đầu tư gần 1,8 tỷ đồng, trong đó có 5 phòng nghỉ, 15 giường, nhà sinh hoạt ăn uống, nhà nấu ăn, đường nội bộ, 12 xe đạp địa hình do Đức sản xuất... “Đây là lần đầu tiên tôi đến xã Vĩnh Thành. Tôi rất thích phong cảnh làng quê, xứ sở hoa kiểng, cây giống, cây ăn trái như thế này. Đặc biệt, tôi cảm thấy rất tự hào, rất thích khi đặt chân đến xã Vĩnh Thành - quê hương của ông Trương Vĩnh Ký” - du khách Pháp Pailler đang nghỉ dưỡng ở du lịch Việt Hải chia sẻ.
Nói về du lịch ở Chợ Lách, ông Trần Duy Phương - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch nhận xét: Chợ Lách có nhiều tiềm năng về du lịch, tuy nhiên, hiện nay huyện vẫn chưa tập trung khai thác thế mạnh này, mỗi năm lượng khách đến chỉ khoảng 150 ngàn lượt, doanh thu khoảng 8 tỷ đồng/năm - một con số còn khá khiêm tốn. Để du lịch Chợ Lách có thể vươn xa hơn trong tương lai, trước mắt, cũng như lâu dài, Chợ Lách cần đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực du lịch, vận động người dân cùng tham gia làm du lịch. Các điểm du lịch nên có sự gắn kết chặt chẽ với các đơn vị lữ hành ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để đưa du khách trong và ngoài nước đến với Chợ Lách nhiều hơn. Phía tỉnh nói chung, ngành du lịch nói riêng sẽ tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần thúc đẩy du lịch Chợ Lách phát triển.
TTXT du lịch Bến Tre