Địa điểm du lịch Kênh gym

Du lịch Bến Tre đánh thức tiềm năng

20/04/2017 - 2511 view
Du lịch Bến Tre đánh thức tiềm năng

Sở hữu tiềm năng lớn về du lịch với nhiều di tích văn hóa lịch sử, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp gắn với hình ảnh cây dừa, địa danh Bến Tre đã đi vào thơ ca, nhạc họa; đặc biệt, khi Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn được ban hành, du lịch Bến Tre hứa hẹn một bước phát triển mới.

Đẹp lắm Bến Tre ơi !

Năm 1983, ngành du lịch tỉnh ra đời, tương đối muộn so với một số địa phương khác. Du lịch thực sự “bắt đầu” vào năm 1990, Bến Tre mở được một số khách sạn, điểm du lịch, tuy nhiên trong kinh doanh còn phải bù lỗ, cũng trong năm này ngành du lịch Bến Tre đón khoảng 90 ngàn khách. Bến Tre bắt đầu phát triển du lịch từ năm 2000, thời gian này mới xây dựng quy hoạch phát triển du lịch và có thành phần kinh tế khác tham gia. Hiện nay, Bến Tre đến hơn 1,2 triệu khách/năm (trong đó 44% là khách quốc tế).

Thế mạnh của du lịch Bến Tre là cảnh sắc thiên nhiên, sông nước hữu tình. Nơi đây có bờ biển dài 65km, có Cửa Đại - cửa sông lớn nhất của 9 nhánh Cửu Long, cửa Hàm Luông mênh mông, bát ngát; những cồn Phụng, cồn Tàu, cồn Ốc đất đai màu mỡ, sum suê cây trái. Sự có mặt của cây dừa phủ đầy màu xanh ở khắp mọi nơi khiến cảnh quan của Bến Tre hình thành nét đẹp đặc thù. Bên cạnh đó, thiên nhiên Bến Tre còn được ưu đãi với khí hậu mát mẻ, vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn chứa đựng các loài động, thực vật đa dạng, đặc thù. Du khách từ các nơi đổ về biển cồn Bửng ngày càng đông do cảnh sắc thiên nhiên đẹp hoang sơ, hải sản giá cả phải chăng. Ẩm thực xứ Dừa cũng độc đáo không kém, nơi đây có nhiều món ăn được xếp vào top kỷ lục các món ăn đặc sắc Việt Nam như: cơm trái dừa, gỏi củ hủ dừa; hay dân dã mà đặc sản như: tép rang dừa, thịt kho nước dừa, cá hấp nước dừa...

Không chỉ có thiên nhiên đẹp yên bình, mảnh đất ba dải cù lao còn là tỉnh có bề dày truyền thống văn hóa. Hiện du lịch Bến Tre có 16 di tích cấp quốc gia, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt và 35 di tích cấp tỉnh gắn với nhiều tên tuổi danh nhân như Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thị Định... Cùng với các làng nghề truyền thống được cả nước biết đến: Làng nghề cây giống và hoa kiểng Cái Mơn, Bánh tráng Mỹ Lồng - Bánh phồng Sơn Đốc. Các lễ hội, làn điệu dân ca được truyền từ đời này sang đời khác và trở nên phổ biến như lý Cái Mơn, lý Ba Tri, lý con cóc. Nổi bật mới đây là Hát sắc bùa Phú Lễ - xã Phú Lễ, huyện Ba Tri được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Con người ở đây cần cù và mến khách khiến du lịch Bến Tre để lại nhiều ấn tượng với du khách. Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đang gặp nhiều trở lực. Hiện nay, bình quân mức chi xài của khách đến Bến Tre khoảng 700 ngàn đồng. Việc tạo được sản phẩm du lịch đặc thù khai thác thế mạnh của tỉnh vẫn là bài toán khó đối với đa số đơn vị lữ hành. Bên cạnh đó, Bến Tre chưa có khu vui chơi giải trí quy mô lớn thu hút khách lưu trú dài ngày, cùng với sự thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch chất lượng, đội ngũ làm công tác quản lý về du lịch còn thiếu và hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ...

“Đánh thức” tiềm năng

Nếu năm 2000, Bến Tre có 2 doanh nghiệp nhà nước và 10 doanh nghiệp tư nhân hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực khách sạn thì đến nay, toàn tỉnh có 109 doanh nghiệp và 53 cơ sở kinh doanh du lịch. Là một trong những người tham gia trong ngành du lịch hơn 16 năm qua, ông Trần Duy Phương - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: So với thời điểm mới bắt đầu, đến nay du lịch Bến Tre đã phát triển khá vượt bậc. Vì du lịch thời gian qua hầu như chưa được ưu tiên nào về cơ chế chính sách, hay kinh phí hỗ trợ bước đầu để cơ sở, doanh nghiệp, hạ tầng phát triển. Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch đặc thù của Bến Tre như tham quan vườn dừa, vườn cây ăn trái, chèo xuồng trên sông, thưởng thức trái cây cũng đã được nhiều du khách biết đến thông qua chương trình liên kết phát triển du lịch với các thành phố: Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long...

Nhận thức được tầm quan trọng của ngành “công nghiệp không khói”, năm 2016, UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016 - 2020, theo đó doanh thu du lịch cần tăng trưởng duy trì ở mức 22%/năm. Chương trình Phát triển hạ tầng và sản phẩm đặc thù của du lịch Bến Tre đến năm 2020 cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt tháng 9/2016. Chương trình có 20 đầu công việc, được chia làm 3 nhóm gồm: xây dựng 8 cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch; xây dựng 4 cơ sở kỹ thuật ngành du lịch; xây dựng 8 sản phẩm đặc thù như du lịch sinh thái, khai thác du lịch biển... Tổng vốn đầu tư là 1.159 tỷ đồng.

Đầu năm 2017, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, từ đó đặt ra cho Bến Tre nhiều vấn đề cần giải quyết ngay đối với những hạn chế, yếu kém và phải đổi mới để tạo nên một bước khởi sắc cho du lịch xứ Dừa. Ông Trần Duy Phương chia sẻ: Từ sau Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị ban hành, ngành du lịch đã có “chỗ đứng” và được quan tâm hỗ trợ với một số dự kiến như, sau 2025 du lịch phải chiếm 7% trong GRDP, phấn đấu hàng năm tăng từ 10 - 15%, thu từ khách từ 22 - 25%. Mở thêm nhiều dịch vụ để phục vụ từ sản phẩm hàng hóa, sản phẩm dịch vụ, vận chuyển. Ngành chức năng đưa ra cơ chế chính sách thuận lợi và làm tốt việc hướng dẫn thực hiện. Đơn cử, nếu đơn vị lữ hành nào đưa được 20 ngàn khách/năm về du lịch Bến Tre thì sẽ được tỉnh có chính sách khen thưởng để doanh nghiệp phấn đấu. Phương hướng phát triển là chú trọng du lịch cộng đồng, đặc biệt là sản phẩm dừa, lấy không gian dừa, di tích văn hóa lịch sử, lợi thế tự nhiên như các cồn, các nghề sản xuất dừa làm chủ đề chính cho du lịch Bến Tre, vì nói đến “Du lịch xứ Dừa” là biết ngay đến Bến Tre.

TTXT du lịch Bến Tre

Mục lục

Du lịch Bến Tre
          - Du lịch Chợ Lách
                    - Vườn trái cây Cái Mơn
          - Cồn Phụng
          - Cồn Ốc
          - Sân chim Vàm Hồ