An Giang là tỉnh đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long, có những đặc trưng riêng biệt: Vừa có đồng bằng, rừng núi, tài nguyên khoáng sản, biên giới, vừa có hệ thống di tích lịch sử lâu đời mang dấu ấn văn hóa lúa nước cổ xưa. Với những điều kiện thuận lợi về thiên nhiên, văn hóa và môi trường tỉnh đã đang tập trung khai thác phát triển du lịch hành hương, nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hóa, về nguồn, bên cạnh khả năng chuyển dịch kinh tế nông thôn thông qua việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái. Trong đó, mô hình du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của du khách, nhất là du khách quốc tế.
Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845 hécta vùng lõi và 643 hécta vùng đệm, nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam, được công nhận là khu bảo vệ cảnh quan năm 2005. Đến đây, du khách có thể tham quan, nghiên cứu khoa học, tận hưởng thiên nhiên hoang sơ và góp phần bảo tồn hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại động, thực vật hoang dã như: 11 loài thú, 70 loài chim, 22 loài bò sát, 23 loài cá và có đến 140 loài thực vật (trong đó có 79 loài dược liệu).
Cách biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 10km, rừng tràm Trà Sư nằm trong tuyến du lịch liên hoàn: Núi Sam, núi Cấm, đồi Tức Dụp và Khu Thương mại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Tịnh Biên với Quốc lộ 2 Campuchia đáp ứng nhu cầu du lịch và giao thương hàng hóa. An Giang đang phát triển kinh tế biên giới và có những chính sách ưu đãi để thu hút đối tác đầu tư trong lĩnh vực thương mại và du lịch ở các khu kinh tế biên giới cửa khẩu. Xác định tiềm năng khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư, những năm qua, ngành du lịch An Giang đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: Tráng nhựa đường vào rừng tràm với hơn 4 km và bãi đậu xe cho khách tham quan, in ấn các tờ rơi giới thiệu về du lịch rừng tràm; phối hợp Chi cục Kiểm lâm tỉnh xây dựng mô hình, hỗ trợ trang thiết bị và tổ chức nhiều đoàn tham quan, khảo sát cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu, đặc biệt là thị trường TP. Hồ Chí Minh, được các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và nhà nghiên cứu đánh giá cao.
Với những lợi thế vốn có về cảnh quan và hệ sinh thái, rừng tràm Trà Sư là một điểm tham quan hấp dẫn. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh du lịch tại đây vẫn còn một số bất cập như: Dịch vụ du lịch chưa hoàn chỉnh, chủ yếu sử dụng xuồng máy của đội bảo vệ rừng; kiểm lâm viên của Ban Quản lý rừng tràm kiêm hướng dẫn viên du lịch... Do đó, chưa đáp ứng nhu cầu tham quan và nghiên cứu khoa học của nhiều tầng lớp. Để tiếp tục công tác bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư theo hướng bền vững, chính quyền địa phương cần quan tâm, thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch căn bản và thực hiện các chính sách ưu đãi đầu tư thông thoáng nhằm thu hút các nhà đầu tư đến tìm kiếm cơ hội đầu tư tại rừng tràm theo định hướng khu bảo tồn cảnh quan đã được tỉnh An Giang phê duyệt năm 2005. Đồng thời, hình thành tuyến du lịch liên hoàn tại Khu Kinh tế Cửa khẩu Tịnh Biên, Trạm Kiểm soát liên hợp, Khu du lịch núi Cấm, núi Sam... nhằm thu hút khách du lịch, trong đó có du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư. Tăng cường xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch rừng tràm Trà Sư thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các kỳ hội chợ trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, liên kết tour tuyến với các tỉnh Takeo, Kandal, Phnompenh (Campuchia) để khai thác lợi thế kinh tế cửa khẩu và kết hợp mua sắm, tham quan du lịch An Giang nói chung và rừng tràm Trà Sư nói riêng trở thành điểm dừng chân trong hành trình của các tour du lịch trong chương trình phát triển du lịch tiểu vùng sông Mekong. Tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp các lễ hội văn hóa truyền thống của các dân tộc với việc tham quan các tuyến du lịch trong tỉnh có gắn với việc tham quan rừng tràm Trà Sư và du lịch nông nghiệp tại xã Văn Giáo (Tịnh Biên). Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cho cộng đồng địa phương thông qua các hoạt động đào tạo và bảo vệ môi trường như: Tích cực trồng cây xanh bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đào tạo nghiệp vụ du lịch và tập huấn công tác bảo vệ môi trường cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và cộng đồng địa phương; đào tạo nghiệp vụ du lịch và văn minh thương mại, kinh doanh du lịch... Có như vậy, rừng tràm Trà Sư mới thật sự trở thành điểm tham quan du lịch hấp dẫn; làm phong phú thêm hành trang du lịch cho du khách đến với miền đất, núi, sông nước của vùng biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc.
TTXT du lịch An Giang