Những ngày này, không khí lễ hội đang tràn ngập trên địa bàn huyện An Phú bởi các hoạt động của “Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang”. Đây là dịp để du khách khắp nơi đến du lịch An Giang, tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng người Chăm trên mọi miền đất nước.
Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Nguyễn Văn Lên cho biết: “Năm 2016, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã quyết định tổ chức “Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang”. Ngày hội thu hút sự tham gia của 11 tỉnh, thành phố có đồng bào Chăm sinh sống, gồm: An Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh... Đây là sự kiện văn hóa lớn, nhận được sự quan tâm sâu sắc của các cấp, các ngành và đông đảo người dân, nhất là đồng bào Chăm. Thực tế, chúng tôi đã tổ chức nhiều sự kiện văn hóa dân tộc Chăm trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, nhưng đây là lần đầu tiên du lịch An Giang đăng cai sự kiện có quy mô toàn quốc nên mọi công tác được chuẩn bị chu đáo”.
Cũng theo ông Lên, “Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang” hướng vào 5 hoạt động chính, gồm: Liên hoan nghệ thuật quần chúng; giới thiệu văn hóa ẩm thực, triển lãm và nghề truyền thống; hội thảo “Văn hóa đồng bào Chăm trong công cuộc xây dựng và phát triển bền vững đất nước”; giao lưu biểu diễn nghệ thuật, tham quan đất nước - con người An Giang và hội thi thể thao.
Đến với ngày hội năm nay, khách du lịch An Giang sẽ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, phản ánh nhiều mặt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Chăm; đắm mình trong tiếng trống Rapbana huyền hoặc hay lắng nghe những khúc tình ca da diết. Ngoài ra, những bộ trang phục truyền thống Chăm, những lễ cưới vui tươi hay truyền thống đón Tết Roja cũng mang đến cho người xem những trải nghiệm thú vị. “Điểm nhấn của ngày hội năm nay là chúng tôi muốn giới thiệu đến du khách về những nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Chăm theo đạo Islam tại An Giang. Đây là cơ hội để tỉnh có hướng đầu tư, phát triển du lịch văn hóa Chăm trong thời gian tới” - ông Lên nhấn mạnh. Bên cạnh đó, những tiết mục nghệ thuật của những đơn vị đến từ các tỉnh, thành phố khác cũng góp phần làm phong phú thêm sắc màu văn hóa Chăm trong lễ hội.
Ngoài các hoạt động văn nghệ, người dân và khách du lịch An Giang còn được hòa vào những giây phút hào hứng của các trận thi đấu thể thao hăng say nhưng thắm tình đoàn kết. Hội thi thể thao tổ chức thi đấu các môn: Chạy việt dã, đẩy gậy, kéo co, bóng đá và bóng chuyền, với sự tham gia của các vận động viên người Chăm đến từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Đây là cơ hội để người Chăm thể hiện niềm đam mê thể thao, thực hiện tốt việc rèn luyện sức khỏe, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương mình sinh sống.
Một hoạt động không thể thiếu của ngày hội năm nay đó là phần giới thiệu văn hóa ẩm thực Chăm. “Cộng đồng người Chăm tại An Giang có khá nhiều đặc sản nhưng nổi bật nhất có thể kể đến món tung lò mò (lạp xưởng bò) và món cà búa (cà ri) luôn được giới ẩm thực đánh giá cao. Bên cạnh đó, việc tổ chức triển lãm về văn hóa nghề truyền thống cũng là điểm nhấn thú vị để khách du lịch An Giang và người dân tìm hiểu những nét khác biệt trong đời sống và tín ngưỡng của đồng bào Chăm trên mọi miền đất nước” - ông Lên thông tin thêm.
Ngoài những hoạt động diễn ra trên địa bàn huyện An Phú, các đại biểu còn được tham quan những di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động này, du lịch An Giang có thể quảng bá thế mạnh về du lịch văn hóa và du lịch tâm linh đến các tỉnh, thành trong cả nước. “Với ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang”, chúng tôi muốn tạo “cú hích” để đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh có điều kiện phát triển thế mạnh về du lịch văn hóa của mình. Đồng thời, ngày hội còn thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành nhằm tôn vinh, phát triển văn hóa Chăm trong nền văn hóa chung của đại gia đình dân tộc Việt Nam” - ông Lên cho hay.
“Ngày hội Văn hóa Thể thao và Du lịch đồng bào Chăm năm 2016 tại An Giang” với chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Chăm trong công cuộc phát triển bền vững đất nước” đã nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành phần dân tộc Chăm, gồm: Người Chăm H’roi, người Chăm Bà la môn, người Chăm Bà ni và người Chăm Islam. Ngày hội thực sự là dịp để khách du lịch An Giang có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về sắc màu văn hóa Chăm trên mọi miền đất nước.
TTXT du lịch An Giang