UBND tỉnh An Giang vừa phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo vệ cảnh quan Rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) từ nay đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025”, với diện tích 1.050 héc-ta (toàn bộ khu này là rừng đặc dụng), tăng 205 héc-ta so hiện nay.
Rừng tràm Trà Sư - An Giang có 4 kiểu quần thể xã thực vật: Thân gỗ ngập nước chua phèn, đó là cây tràm (Melaleuca cajuputi) chiếm 85% diện tích và phân bố đều khắp khu vực; thân gỗ trên bờ kênh, rạch; thủy sinh trên kênh, rạch; cây thân thảo ngập nước trên đất chua. Về động vật rừng, khoảng 70 loài chim nước, 11 loài thú, 20 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Về thủy sản, 25 loài cá được ghi nhận có giá trị kinh tế cao.
Năm 1983, Rừng tràm Trà Sư được trồng với mục đích cải tạo đất phèn tại xã Văn Giáo, với 845 héc-ta. Năm 1991, Chi cục Kiểm lâm An Giang quản lý và UBND tỉnh quy hoạch thành Khu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Năm 1999, thử nghiệm du lịch và đến năm 2005 chính thức hoạt động, do Trạm Kiểm lâm Trà Sư chịu trách nhiệm. Lượng khách hàng năm đều tăng, từ 2.000 du khách (2006) tăng 64.282 du khách (2014). Ngày 27/5/2005, UBND tỉnh phê duyệt thành lập Khu bảo vệ cảnh quan Rừng tràm Trà Sư, thuộc hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Tổng kinh phí thực hiện 14,8 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách tỉnh 3,3 tỷ đồng. Thời gian đầu tư 6 năm, bắt đầu năm 2005 và kết thúc năm 2010.
Do vậy, bên cạnh việc rà soát quy mô ranh giới, chức năng, nhiệm vụ; quy hoạch tổng thể không gian các phân khu chức năng; các nội dung về quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo vệ cảnh quan Rừng tràm Trà Sư lần này. Ông Trần Phú Hòa, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, mục tiêu chính là “Bảo vệ nguyên vẹn các hệ sinh thái rừng, đảm bảo bảo tồn và phát triển bền vững”. Theo đó, tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật trong công tác bảo vệ thông qua việc tổ chức lực lượng bảo vệ, xây dựng quy chế quản lý, hoạt động; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng; cải thiện điều kiện làm việc của lực lượng bảo vệ rừng; góp phần bảo vệ an ninh, ổn định kinh tế - xã hội địa phương.
Quy hoạch vùng đệm Rừng tràm Trà Sư đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025 là 1.155,5 héc-ta, bao gồm một phần xã Văn Giáo 507,1 héc-ta và Vĩnh Trung 293,7 héc-ta (Tịnh Biên), một phần xã Ô Long Vĩ (Châu Phú) 354,7 héc-ta; hỗ trợ phát triển kinh tế các ấp giáp ranh. Đặc biệt, tạo cơ chế để người dân tộc được tham gia vào các chương trình bảo tồn và phát triển khu bảo vệ cảnh quan, gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội địa phương để nâng cao trình độ dân trí, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống người dân. “Về quy hoạch phát triển du lịch sinh thái sẽ do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch thực hiện, trình UBND tỉnh phê duyệt theo các quy định hiện hành” - ông Trần Phú Hòa nói.
Với các chương trình: Bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển rừng, sử dụng rừng, phát triển cơ sở hạ tầng... Trong đó, có dự án trồng rừng ở phân khu phục hồi sinh thái và dịch vụ hành chính; đề tài nghiên cứu khoa học về điều tra danh mục thực vật rừng; thành lập trung tâm cứu hộ động vật hoang dã và khu du lịch sinh thái Rừng tràm Trà Sư. Quy hoạch cũng đưa ra nhiều giải pháp về tổ chức quản lý; chính sách; khoa học và công nghệ; tài chính; kỹ thuật lâm sinh... Công tác bảo tồn cần nâng cao nhận thức cộng đồng, nâng cao đời sống và chia sẻ lợi ích, tăng cường phổ biến thể chế pháp luật cho cộng đồng.
Bảo tồn Rừng tràm Trà Sư trên đất ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, đây còn là nơi cư trú của các loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật dưới tác động của chế độ thủy văn sông Mê Kông, góp phần phát triển bền vững và sử dụng hợp lý các giá trị cảnh quan, tài nguyên thiên nhiên của rừng để phát triển du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, tuyên truyền giáo dục về bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, làm cơ sở hợp tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đất ngập nước với Campuchia trong vùng hạ lưu sông Mê Kông.
TTXT du lịch An Giang