Từ xưa, bà con miền Tây Nam bộ, nhất là những người theo đạo Phật đã coi núi Cấm ở An Giang là vùng địa linh, vùng đất Phật nên hằng năm có tới hàng triệu du khách đổ về “Thất Sơn huyền bí” để chiêm bái và vãn cảnh. Hiện nay, Khu du lịch Núi Cấm (An Giang) có tiềm năng khá lớn trong phát triển du lịch địa phương, tích cực góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Từ định hướng và mục tiêu phát triển Khu du lịch Núi Cấm trở thành Khu du lịch Quốc gia, ngày 8/4 vừa qua, Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang phối hợp với Huyện ủy và UBND huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang tổ chức Hội thảo Khoa học “Núi Cấm và huyền thoại”.
Tên gọi qua các giả thuyết
Hội thảo “Núi Cấm và huyền thoại” thu hút khá nhiều người tham gia. Ban Tổ chức đã nhận được 67 bài tham luận, tập trung vào 4 nội dung: núi Cấm trong lịch sử; Các di tích lịch sử, danh thắng, hang động núi Cấm; Những huyền thoại và truyền thuyết có liên quan đến núi Cấm; Những định hướng, giải pháp phát triển Khu du lịch Núi Cấm. Mặc dù mỗi tác giả quan tâm đến nhiều vấn đề khác nhau song hầu như bài nào cũng đề cập đến vị trí và tên gọi của núi Cấm.
Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu: “Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy tầm phải chạy nương náo và cấm dân đến núi này”, “Phật thầy Tây An cấm đệ tử lên núi ẩn cư, tránh sự ô uế”, “vào đầu thế kỷ XX, nhóm cướp Đơn Hùng Tín ở ẩn trên núi sợ bị lộ, cấm người dân đến đây”... Ông Trần Văn Đông, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử tỉnh An Giang cho rằng, giả thuyết 1 là không thuyết phục, còn giả thuyết 3 là không phù hợp. Vì, Nguyễn Ánh chưa bao giờ chạy về vùng Thất Sơn trú ẩn, vào đầu thế kỷ XIX (Trịnh Hoài Đức ghi) không có tên núi Cấm.
Do vậy, đa số ý kiến đều nghiêng về giả thuyết 2 là tín chúng môn phái Bửu Sơn Kỳ Hương tin tưởng núi Cấm, chốn thiêng liêng sau này (núi Cấm hóa lầu, lập đời Thượng Ngươn, Phật Di Lặc ra đời lập hội Long Hoa...). “Giả thuyết vẫn là giả thuyết. Núi Cấm có tên chính thức vào năm 1864 (trong mục Sơn Xuyên, phần An Giang tỉnh của Đại Nam Nhất Thống Chí) do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn” - ông Trần Văn Đông nói. Trong số 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn hùng vĩ, núi Cấm cao 716 mét và là đỉnh cao nhất trong vùng. Nhiều người cho rằng, đây là điểm hội tụ những tốt đẹp và linh thiêng nhất.
Núi Cấm cùng với dãy Thất Sơn rất thuận lợi cho bố trí phòng thủ biên giới Tây Nam. Ngôi chùa Phật lớn (đạo sĩ Bảy Do) là trung tâm chỉ huy cuộc khởi nghĩa (1916) của Nguyễn Hữu Trí đánh dinh Thống đốc và khám lớn Sài Gòn. Người ta còn so sánh khá lý thú từ huyền thoại Yên Tử đến huyền thoại núi Cấm, có những điểm tương đồng về vị trí địa lý, con người, tín ngưỡng tâm linh. Với đạo Bửu Sơn Kỳ Hương của Phật thầy Tây An, núi Cấm là quý nhất của Việt Nam thời Thượng Ngươn. Từ lâu, nơi đây đã trở thành nguồn cảm hứng cho ca dao, dân ca, truyện kể...
Sự tích núi Cấm An Giang
Đây là nội dung thu hút công chúng tìm hiểu về núi Cấm linh thiêng, huyền bí. Các nhà nghiên cứu cũng cất công sưu tầm, điền dã để ghi chép những huyền thoại, truyền thuyết liên quan có hệ thống và hấp dẫn. Chẳng hạn, như truyền thuyết về sấm nổ núi Cấm, đời tận thế, Minh Vương xuất hiện thế giới hòa bình an lạc, Phật Di Lặc xuất hiện lập hội Long Hoa... hay ông Cử Đa tu Tiên, hang Bác Vật Lang... hoặc về cọp, rắn mãng xà. Đồng thời, còn có những giai thoại về đạo sĩ Ba Lưới, điện Cây Quế, thần Bạch Hổ, chuyện sử dụng bùa ngải... trên núi Cấm.
Các nhà nghiên cứu ghi nhận, núi Cấm là một trong bảy ngọn núi của dãy Thất Sơn, bao gồm: Thiên Cấm sơn (núi Cấm), Ngọa Long sơn (núi Dài Lớn), Anh Vũ sơn (núi Két), ngũ Hồ sơn (núi Dài Năm Giếng), Thủy Đài sơn (núi nước), Liên Hoa sơn (núi Tượng) và Phụng Hoàng sơn (núi Cô Tô). Đó còn gọi là “bảy núi”. Còn “năm non”, ông Trần Văn Đông, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử tỉnh An Giang cho biết, nhiều nhà nghiên cứu đồng tình theo ý kiến của Nguyễn Văn Hầu trong quyển Thất Sơn mầu nhiệm (xuất bản năm 1955) cho rằng, năm non là năm cái vồ cao trên núi Cấm. Đó là vồ Bồ Hong (716 mét) có điện thờ Ngọc Hoàng Thượng đế; vồ Thiên Tuế (514 mét) có dấu vết vua Gia Long; vồ Đầu (584 mét), vồ Bà (579 mét), vồ Ông Bướm (480 mét). Ngoài ra, còn có khá nhiều hang, động, mà con người đã đặt chân khai phá.
Về hang động, núi Cấm có trên 10 hang mang tên hang Ông Hổ, chứng tỏ xưa kia núi này có nhiều hổ, lại là bạch hổ. Truyền thuyết, hổ bạch núi Cấm biết tu hành nên không ăn thịt người, từng chinh chiến với hắc hổ ở núi Bà Đội Om.
Định hướng phát triển du lịch
Từ những lợi thế riêng có, ngành du lịch tỉnh An Giang đã xác định Khu du lịch Núi Cấm là một trong những Khu du lịch trọng điểm trong chiến lược phát triển du lịch của tỉnh. Hướng tới, ngành du lịch sẽ tăng cường nhiều hoạt động nhằm khai thác tiềm năng, đặc biệt là loại hình du lịch tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng. Ban quản lý Khu du lịch Núi Cấm sẽ phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp, du lịch homestay, du lịch sinh thái nhà vườn, làng nghề truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đa dạng. Bên cạnh đó, Khu du lịch Núi Cấm còn gắn kết với Lễ hội văn hóa cấp Quốc gia vía Bà Chúa Xứ núi Sam.
Từ lâu, núi Cấm là biểu tượng của “Thất Sơn huyền bí”, là trung tâm văn hóa tâm linh không những của An Giang mà còn của cả Đồng bằng sông Cửu Long. Ngày nay, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, khí hậu mát mẻ, không khí trong lành, suối Thanh Long, hồ Thanh Long, hồ Thủy Liêm, nhiều hang động, nhiều vồ, nhiều am cốc, điện thờ, chùa miễu, Khu du lịch Núi Cấm còn có nhiều công trình kiến trúc độc đáo như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc, tượng Quán Thế Âm... và hệ thống cáp treo thuận tiện cho du khách thưởng ngoạn toàn cảnh từ trên cao. Núi Cấm và vùng Bảy Núi còn có nhiều truyền thuyết, huyền thoại lôi cuốn đông người.
Hiện Khu du lịch Núi Cấm được quy hoạch thành 5 khu phục vụ khách tham quan, hành hương và nghỉ dưỡng. Việc đầu tư có trọng điểm và hướng đến du lịch bền vững sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gắn liền với bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời bảo tồn các giá trị lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng và cảnh quan thiên nhiên của núi rừng Tây Nam bộ. Do đó, trong tương lai Khu du lịch Núi Cấm sẽ được tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn thiện hệ thống giao thông, xây dựng Khu dân cư và sắp xếp bố trí lại các hộ buôn bán, đặc biệt là Khu vui chơi giải trí và Khu nghỉ dưỡng cao cấp. Riêng các điểm du lịch tâm linh như chùa miếu, điện thờ sẽ được tôn tạo, nâng cấp để phục vụ khách tham quan một cách hữu hiệu.
Khu du lịch Núi Cấm không chỉ chú trọng về tham quan, giải trí, tâm linh, trải nghiệm, khám phá mà còn tạo động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, phát triển kinh tế xã hội, và trở thành điểm đến thân thiện, an toàn.
TTXT du lịch An Giang