Khu du lịch Núi Cấm (An Giang) càng trở thành điểm đến lý tưởng với du khách từ khi tuyến cáp treo đi vào hoạt động. Những ngày cuối tuần, về Bảy Núi mới thấy hết không khí sôi động nơi đây. Nhiều xe du lịch nối đuôi nhau về Tịnh Biên đi cáp treo núi Cấm ngắm cảnh trên cao. Bà Trần Thị Thu Hà (quê Bình Dương) bày tỏ, nghe tin cáp treo núi Cấm hoạt động trước Tết, trong lòng chộn rộn muốn đến đây đi thử một chuyến. Vậy là, bà Hà cùng gia đình thuê xe viếng Bà Chúa Xứ núi Sam, sẵn tiện đi một vòng vào núi Cấm để nhìn ngắm vùng Thất Sơn hùng vĩ.
“Diện mạo Khu du lịch Núi Cấm bây giờ đang đổi thay từng ngày. Đi cáp treo, ngồi trên cao nhìn về tứ phía sẽ thấy hết cảnh đồng ruộng bao la, bát ngát. Nhìn xa xa về phía Tây là biên giới Campuchia. Đặc biệt, khi đặt chân lên đỉnh núi, phong cảnh chùa chiền, tượng phật Di Lặc, hồ Thủy Liêm trầm mặc hữu tình ” - bà Hà chia sẻ.
Từ lâu, Khu du lịch Núi Cấm được xem là điểm đến tâm linh hấp dẫn đối với du khách xa gần. Khi đặt chân đến đây, du khách sẽ được hòa mình vào vẻ đẹp nước non và nghe kể về những câu chuyện kỳ bí của các bậc tiền nhân một thời tu hành ẩn dật. Ngày trước, nếu đi đường mòn hoặc đường bộ khá hiểm trở và vất vả thì nay đã có cáp treo núi Cấm đưa chúng ta một mạch lên tận đỉnh mà chỉ mất khoảng 10 phút, rất an toàn và tiện lợi.
Ngồi trong ca-bin tới lưng chừng núi, mây ngàn bao phủ, không khí mát rượi, anh Trần Văn Đức, du khách ở TP. Hồ Chí Minh trầm trồ, bây giờ Khu du lịch Núi Cấm có cáp treo thiệt tiện lợi vô cùng. Mấy năm trước, gia đình anh định lên núi cúng Phật mà nghe tin lở đá nên đình lại đến nay. “Sáng giờ, tui đi gần 10 kiểng chùa ở núi Sam và huyện Tịnh Biên cũng hơi oải. Nhưng đến núi Cấm, tui và sấp nhỏ được đi cáp treo lên cúng chùa Phật Lớn, chùa Vạn Linh, rất thoải mái và nhanh...” - anh Đức vừa nói vừa hướng mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp vùng Thất Sơn.
Hiện nay, đang vào mùa Lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam, vào những ngày thứ bảy và chủ nhật, hàng trăm đoàn khách từ khắp các tỉnh, thành ĐBSCL, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh để xe đậu lại dưới chân núi, rồi đi cáp treo núi Cấm lên cúng chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, rồi khám phá hang, vồ, động, điện trên núi. Những năm gần đây, quần thể chùa chiền ở Khu du lịch Núi Cấm đã được chỉnh trang đẹp mắt, thu hút khá đông khách đến cúng, viếng.
Mỗi lần viếng chùa Phật Lớn, khi đi bộ ngang cầu đỏ, du khách được xem cá phóng sinh nhiều vô kể. Hiện tại, cá dưới hồ có con to hơn chục kg, chủ yếu là cá lóc, cá chép, rô phi, rùa... Diện tích hồ Thủy Liêm rất rộng, xung quanh được trồng nhiều loài hoa, kiểng màu sắc rực rỡ. Nếu ngủ lại qua đêm ở Khu du lịch Núi Cấm, du khách có thể thả mình vào không gian tĩnh lặng, thi thoảng được nghe tiếng kinh kệ, chuông chùa đồng vọng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, từ đầu năm đến nay, tại hệ thống cáp treo núi Cấm lúc nào cũng thu hút đông khách du lịch, hành hương. Đặc biệt, những ngày cuối tuần, hệ thống cáp treo thu hút hàng ngàn lượt khách đến chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của vùng Thất Sơn. Giờ đây, hệ thống cáp treo đã góp phần quan trọng làm thay đổi điện mạo Khu du lịch Núi Cấm. Đặc biệt, trên núi Cấm đã có điện, nước, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch tâm linh kết hợp với nghỉ dưỡng. Trong tương lai gần, các doanh nghiệp sẽ đến đầu tư xây dựng các hạng mục công trình được phê duyệt.
Ông Lý Thanh Sang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển du lịch An Giang cho biết thêm, từ ngày 28/4 đến 1/5, để “thết đãi” khách đến tham quan Khu du lịch Núi Cấm, công ty tổ chức chương trình giải nhiệt mùa hè; ẩm thực gánh hàng rong quê tôi, phục vụ các món ăn đặc sản miền núi tại nhà hàng Hương Núi, với giá bình quân, gồm: Bánh xèo trứng đà điểu ăn với rau rừng, bánh canh Vĩnh Trung, bò Bảy Núi nướng ngói, thịt heo rừng, thịt đà điểu, cơm gà, chuột nướng sả, gà tre nướng muối ớt... Đồng thời, bày bán các món tráng miệng dân dã phục vụ du khách xa, gần như: Chè thốt nốt, nước thốt nốt, bánh bò thốt nốt, bánh bò Tân Châu...
TTXT du lịch An Giang